Hiệu quả từ kinh phí "mồi"
Nhiều năm qua, hoạt động khuyến công đã phát huy vai trò “bà đỡ” trong mục tiêu sản xuất công nghiệp và ngành nghề tại nông thôn, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất mang tính bền vững. Nhờ sự hỗ trợ ban đầu này, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đã xây dựng được thương hiệu và phát triển không ngừng.
Năm 2023, hộ kinh doanh Sơn Hà (TP. Bạc Liêu) được hỗ trợ 150 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công địa phương để đầu tư máy xay chả lụa phục vụ trong sản xuất giò chả (vốn đối ứng đầu tư của hộ kinh doanh là 208 triệu đồng). Sự hỗ trợ này không chỉ giúp hộ kinh doanh Sơn Hà tiết kiệm nhân lực, giảm chi phí mà còn góp phần tăng năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, mở ra cơ hội trong phát triển thị trường tiêu thụ.
Từ nguồn vốn khuyến công địa phương và nguồn vốn khuyến công quốc gia, trong năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (thuộc Sở Công thương) đã thực hiện các đề án hỗ trợ DN, cơ sở CNNT, gồm: Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến lúa gạo tại Công ty TNHH MTV Cường Mận (ấp 13, xã Phong Thạnh Đông, TX. Giá Rai); Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thủy sản tại Công ty TNHH MTV Thanh Phu, Công ty TNHH thủy sản Huyền Trân (huyện Hòa Bình)... Các đề án đã được nghiệm thu, hệ thống máy móc, thiết bị đang hoạt động ổn định, sản phẩm làm ra chất lượng và có sức cạnh tranh cao, tạo hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các đơn vị thực hiện. Đồng thời, gia tăng được các đơn hàng có giá trị cao, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động, duy trì phát triển bền vững CNNT.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của CNNT
Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, công tác khuyến công năm 2023 vẫn duy trì được nhịp độ và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ. Cơ sở sản xuất CNNT không ngừng phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng; trình độ quản lý và tay nghề của người lao động cũng được nâng lên đáng kể. Việc tổ chức thực hiện các đề án khuyến công luôn gắn với nhu cầu thực tế của các cơ sở CNNT, tạo cho người dân có những nhìn nhận mới về sự hỗ trợ của Nhà nước trong khuyến khích phát triển CNNT và xây dựng nông thôn mới.
Ngoài hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hằng năm, Trung tâm còn giới thiệu, kết nối các cơ sở, DN quảng bá sản phẩm trên website, sàn giao dịch thương mại điện tử; tham gia hội nghị, hội thảo kết nối cung - cầu trong và ngoài nước; tham gia triển lãm sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, tạo cơ hội cho các cơ sở, DN giao lưu học hỏi, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Đồng thời, thông qua các hội thảo, khóa tập huấn ngắn hạn do Sở Công thương tổ chức cũng đã giúp cơ sở, DN hoạch định, tạo hướng đi lâu dài cho sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến công thời gian qua còn gặp một số khó khăn như: đa số các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, nguồn vốn còn hạn hẹp, máy móc thiết bị lạc hậu hoặc có đổi mới nhưng chưa đồng bộ, thị trường tiêu thụ chưa chủ động được, nhất là xuất khẩu... Trong khi đó, nguồn kinh phí dành cho công tác khuyến công hằng năm còn ít so với nhu cầu…
Nhằm tiếp sức, tạo đòn bẩy để các cơ sở CNNT từng bước phát triển bền vững, trong năm 2024, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển CNNT; đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng cơ sở, DN trong hoạt động sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo chuỗi giá trị của sản phẩm cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: Tạp chí Làng nghề Việt Nam