Dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang, về phía T.Ư có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; các doanh nghiệp (DN) thu mua vải thiều ở trong và ngoài tỉnh.
Hội nghị gồm các nội dung, giới thiệu mùa vụ vải thiều năm 2021 của tỉnh Bắc Giang; tham luận của một số đại biểu ở các điểm cầu; công bố và trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản; khai trương gian hàng vải thiều trên sàn Alibaba.com và các sàn thương mại điện tử; lễ xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế...
Năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn. Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp song việc tiêu thụ vải thiều thời gian qua cơ bản thuận lợi, sản lượng tiêu thụ đến ngày 7/6 đạt hơn 53 nghìn tấn ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn thông tin, năm 2021, trước bối cảnh chung của đại dịch Covid-19 song Bắc Giang đã quản lý chặt chẽ các đối tượng F0 (chỉ có trong các khu công nghiệp) không để lây ra cộng đồng; Lục Ngạn (vùng vải thiều lớn nhất của tỉnh) không Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Với cách làm năng động, sáng tạo, tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp cụ thể, quyết liệt để bảo vệ vùng vải thiều. Do đó, đến nay đã khẳng định vụ này, vải thiều Bắc Giang chất lượng cao nhất từ trước đến nay, có hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội như quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày, là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước...
Đến nay, vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.
Để vải thiều có chất lượng cao nhất đáp ứng yêu cầu của tất cả các thị trường trong nước và quốc tế, những năm qua, tỉnh đã kiên trì thực hiện các biện pháp như hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn người trồng vải thiều kỹ thuật canh tác, chăm sóc; việc ghi chép truy xuất nguồn gốc; kiểm tra, giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài; thử nghiệm biện pháp che màn để hạn chế sâu bệnh; nhân rộng mô hình hợp tác xã, nhóm hộ liên kết sản xuất để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị; mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... hướng tới 100% vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các đại biểu thăm gian hàng trưng bày vải thiều và sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Cùng với đó, giám sát chặt chẽ các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ; lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc điện tử; tạo nên vải hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội. Về thị trường tiêu thụ, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường, thị trường nào cũng có vai trò quan trọng.
Nhân dịp này, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng, mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm vải thiều bảo đảm các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và một số thị trường tiềm năng; hỗ trợ tỉnh giám sát toàn bộ quá trình thu hoạch, xông hơi khử trùng, kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tỉnh kết nối với các DN có kinh nghiệm xuất khẩu nông sản; hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử; chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, TP phối hợp với tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo các cục, vụ, Thương vụ của Việt Nam tại hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc), tại Nhật Bản, Úc, Singapo và các nước trên thế giới hỗ trợ tỉnh kết nối, tiêu thụ vải thiều.
Đồng chí cũng đề nghị Đại sứ quán, Tham tán Công sứ phụ trách kinh tế - thương mại Trung Quốc tại Việt Nam; Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây, Vân Nam; Chính quyền và các cơ quan chức năng thị Bằng Tường, huyện Hà Khẩu - Trung Quốc phát huy truyền thống quan hệ thương mại tốt đẹp với tỉnh Bắc Giang trong những năm qua, tăng cường kết nối giao thương, giới thiệu, tạo điều kiện cho các DN, thương nhân có kinh nghiệm, uy tín sang ký kết, thu mua, tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Bắc Giang; tạo điều kiện cho các thương nhân, thương hội hoa quả là bạn hàng truyền thống chưa có điều kiện sang Bắc Giang thực hiện phương thức giao nhận hàng linh hoạt, tiêu thụ vải thiều thông qua các kênh trực tuyến; tạo điều kiện thuận lợi về bố trí kho, bãi tập kết vải thiều, giải quyết thủ tục hành chính, làm thêm giờ để tăng thời gian thông quan, ưu tiên thông quan, phân luồng riêng cho các xe chở vải thiều khi nhập khẩu vào Trung Quốc...
Các đại biểu nhấn nút khai trương gian hàng vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Thảo luận tại các điểm cầu, các đại biểu tập trung về các vấn đề như: Tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều thông quan; đưa vải thiều tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử; tiêu thụ vải tại các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn trong nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao cách làm của tỉnh Bắc Giang trong việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều và mong muốn không chỉ có vải thiều mà các nông sản khác cũng có cách làm tương tự để nâng cao giá trị, hiệu quả sản phẩm.
Bộ trưởng nêu rõ, thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới, hiện đại, nhờ có công nghệ thông tin mà các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ đã được tiếp cận nhanh chóng nhất với người tiêu dùng. Đồng thời giúp cả hai bên tiết giảm tối đa chi phí thời gian vật chất, nâng cao độ tin cậy cho quá trình giao thương.
Thương mại điện tử đang trở thành phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phương thức này càng trở lên tiện ích, ưu thế vượt trội khi dịch Covid-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu.
Các đại biểu cắt băng xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế.
Việc Bắc Giang đã chủ động áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới trong tiêu thụ vải thiều là hướng đi đúng, cách đi sáng tạo, hiệu quả trong tình hình hiện nay.
Đồng chí đánh giá cao cách làm của Bắc Giang, không chỉ vải thiều mà các sản phẩm khác cũng cần áp dụng tương tự để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng chí mong rằng, sau sự kiện này sẽ có nhiều đối tác, bạn hàng tiếp tục đến với Bắc Giang qua các sàn giao dịch điện tử để thu mua, kinh doanh vải thiều cũng như nhiều sản phẩm đặc trưng khác. Đồng chí cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp, đồng hành, hỗ trợ tạo “làn xanh” cho vải thiều lưu thông.
Phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương cảm ơn các vị khách quốc tế, lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, các vị đại biểu đại diện cho Đại sứ quán, lãnh sự, thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Singapore; lãnh đạo các tỉnh, TP trong cả nước đã quan tâm, phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021.
Đồng chí nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang có vùng vải thiều tập trung lớn nhất cả nước, hằng năm vải thiều Bắc Giang có mặt ở hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Để ứng phó trong bối cảnh dịch Covid- 19 bùng phát, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản thu hoạch và tiêu thụ vải thiều năm 2021; đồng thời triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh; đã phát huy tinh thần hữu nghị, hợp tác với các bạn hàng truyền thống, có sự liên hệ, trao đổi, phối hợp chặt chẽ từ các bạn hàng quốc tế, các tỉnh, TP bạn và DN, doanh nhân kinh doanh nông sản.
Đoàn xe xuất hành đi tiêu thụ vải thiều.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hôm nay, hội nghị trực tuyến từ tỉnh Bắc Giang đến 21 điểm cầu của các tỉnh, TP; 1 điểm cầu tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, 4 điểm cầu của các bạn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam - Trung Quốc, 2 điểm cầu của các bạn Nhật Bản, 1 điểm cầu tại Australia và 1 điểm cầu tại Singapore là minh chứng cho sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang; thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành T.Ư; sự quan tâm giúp đỡ, đồng hành của các tỉnh, TP bạn; sự phối hợp chặt chẽ, rất trách nhiệm của các bạn Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Singapo; sự đồng hành của DN, doanh nhân, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, với quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19, hướng tới mùa vụ vải thiều thắng lợi.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cam kết sẽ chỉ đạo quyết liệt, hết sức cụ thể từng nhóm vấn đề các đại biểu quan tâm với phương châm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho công tác tiêu thụ vải thiều; phát huy tối đa các kênh phân phối truyền thống với các bạn hàng trong và ngoài nước; triển khai kênh phân phối thương mại điện tử; linh hoạt phương pháp giao nhận hàng để bảo đảm phòng, chống dịch.
Với tinh thần quyết tâm thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép”, vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; trên tinh thần cởi mở, trách nhiệm cao, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các vị đại biểu, đồng chí Lê Ánh Dương tin tưởng năm 2021 tiếp tục là năm thành công của người dân trồng vải thiều, của DN, thương nhân tham gia tiêu thụ vải thiều
Trong khuôn khổ hội nghị, ban tổ chức công bố Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản; tổ chức khai trương gian hàng vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; cắt băng xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế năm 2021.
Theo Báo Bắc Giang