Hỗ trợ máy móc thiết bị
Năm 2019, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương và kinh phí quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã hỗ trợ nhiều dự án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường. Theo đó, có 23 đề án hỗ trợ với tổng số tiền 3,2 tỷ đồng, trong đó có 22 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất với kinh phí 3,1 tỷ đồng và 1 đề án xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở, kinh phí 106 triệu đồng (kinh phí khuyến công của tỉnh). Đồng thời, đề nghị Cục Công thương địa phương xét trình Bộ Công thương phê duyệt 1 Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ quy trình sản xuất máy gặt” của Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 200 triệu đồng.
Ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất
Nằm trong chương trình khuyến công địa phương năm 2018, Công ty TNHH SXTM Thanh Hồ (phường Long Thạnh, TX. Tân Châu) sản xuất mặt hàng tương hột, nước màu… đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh lựa chọn để hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất, gồm: 1 máy siết nắp tự động, công suất 2.500 hủ/giờ và 1 máy siêu màng nhôm tự động, công suất 2.500 hủ/giờ. Tổng chi phí cho 2 thiết bị là 418 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ là 200 triệu đồng, còn lại do cơ sở đối ứng. Chia sẻ về hiệu quả của việc ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, anh Dương Quang Vĩ, đại diện công ty cho biết, các loại máy móc không chỉ giúp tiết kiệm nhân lực mà còn góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường. Nhờ đó, công ty đã giảm được giá thành sản phẩm, thu hút thêm nhiều khách hàng, mở ra cơ hội trong phát triển thị trường tiêu thụ.
Đến nay, từ một cơ sở sản xuất chỉ với 5 lao động, Công ty TNHH SXTM Thanh Hồ đã mở rộng diện tích cũng như số lượng công nhân lên đến 20 người, bình quân mỗi ngày, công ty cho ra thị trường từ 500-800kg nước màu, đáp ứng các tiêu chí về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh đối với các cơ sở khác.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm
Ngoài việc hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã góp phần giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tìm kiếm đầu ra, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã tiếp nhận 15 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ các địa phương, trình UBND tỉnh thành lập hội đồng, tổ chức bình chọn. Kết quả, có 9 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018. Trong đó có 3 sản phẩm được bình chọn đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2018, gồm: bánh kẹp Tiến Anh (Công ty TNHH SXTM Tiến Anh, ngụ ấp Thị II, thị trấn Chợ Mới, Chợ Mới), cà phê hòa tan NEWCAFE (Công ty NEWCAFE, ấp Hòa Long 1, thị trấn An Châu, Châu Thành) và lạp xưởng bò Anas (Cơ sở sản xuất kinh doanh Tung lò mò Anas, ấp Phủm Soài, xã Châu Phong, TX. Tân Châu). Ông Hứa Hoàng Vũ (chủ Cơ sở sản xuất - kinh doanh Tung lò mò Anas) cho biết: “Việc được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có ý nghĩa hết sức to lớn. Khi sản phẩm được công nhận sẽ có thêm cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Người tiêu dùng biết đến cơ sở ngày càng nhiều, từ đó giúp cơ sở phát triển sản xuất - kinh doanh”. Song song đó, trung tâm còn hỗ trợ các đơn vị trưng bày sản phẩm tại các hội trợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; tổ chức giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa; hỗ trợ thiết kế nhãn hàng hóa và đăng ký mã vạch sản phẩm; hỗ trợ phát triển các sản phẩm tiêu biểu, đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Khmer…
Năm 2019, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động hiệu quả, tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ dân cũng như thu hút tốt nguồn vốn đối ứng. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thêm việc làm ổn định cho lao động địa phương…
BTTCKonline