Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để bàn về cơ hội và thách thức của CPTPP đối với nông sản Việt. Một số ý kiến cho rằng CPTPP sẽ đem lại cơ hội rất lớn cho xuất khẩu nông sản, cùng với đó là sức ép cạnh tranh vô cùng lớn trên sân nhà.
Đó là một sự hiểu lầm.
Hiểu lầm thứ nhất, CPTPP sẽ có tác động lớn tới Việt Nam nhưng chủ yếu trên phương diện thể chế. Xét về mở cửa thị trường ngoài và sức ép cạnh tranh trên sân nhà, tác động của CPTPP chỉ ở mức vừa phải.
Bởi vì, trong 10 đối tác của CPTPP, ta đã có quan hệ FTA từ rất lâu với 7 đối tác (Singapore, Brunei, Malaysia, Australia, New Zealand, Chile và Nhật Bản). Cơ hội mới và thách thức mới từ các đối tác này, vì vậy, là gần như bằng không. Cơ hội mới và thách thức mới, nếu có, sẽ đến từ 3 đối tác mới là Canada, Peru và Mexico.
Tăng xuất khẩu nông sản vào 3 thị trường này không dễ bởi họ ở rất xa ta, chi phí vận tải khá cao, nhất là với rau quả. Gu tiêu dùng của họ cũng khác. Ở chiều ngược lại, sức ép cạnh tranh đến từ các sản phẩm của họ cũng vậy. Cho đến nay ta vẫn xuất siêu vào 3 nước này và tôi không nghĩ CPTPP sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh quá lớn cho nông sản của họ trên thị trường nước ta. Tóm lại, sẽ khó có đột biến xảy ra trong thương mại nông sản với 3 thị trường này.
Hiểu lầm thứ hai, một bộ phận trong chúng ta cho rằng “thị trường quốc tế” cũng là “chợ quốc tế”, cái gì bán được ở chợ huyện thì cũng sẽ bán được ở quốc tế.
Ở Việt Nam, chúng ta dùng cảm quan để đánh giá hàng hóa ở chợ. Miếng thịt, mớ rau trông tươi, ngon là được. Lỡ có không bắt mắt thì tin tưởng vào người bán hàng, rằng “mua của bác này ăn lâu nay không thấy đau bụng, chắc sẽ không sao”. Và chúng ta mua. Ta không quan tâm sản phẩm này là ai trồng, ai nuôi, nuôi trồng thế nào, sử dụng thuốc trừ sâu hay kháng sinh ra sao .. Xét trên phương diện này, người tiêu dùng Việt Nam là những người tiêu dùng đáng yêu nhất thế giới và thị trường Việt Nam thực sự là thiên đường cho hàng nông sản.
Thị trường thế giới không như vậy. Khi mua nông sản của ta, người mua quốc tế muốn biết sản phẩm đó được trồng hoặc nuôi ở đâu. Xuất phát từ đây mà có chuyện đăng ký vùng trồng. Họ cũng muốn biết quy trình làm ra sản phẩm đó là như thế nào, sử dụng thuốc trừ sâu và kháng sinh có đúng cách không. Xuất phát từ đây mà có yêu cầu truy xuất nguồn gốc và kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu, kháng sinh.
Cho nên, đàm phán thương mại nông sản quốc tế bao giờ cũng có 2 nhánh. Một nhánh đàm phán về thuế nhập khẩu, do Bộ Công Thương phụ trách, nhánh kia đàm phán về khả năng quản trị chất lượng và an toàn thực phẩm, do Bộ Nông nghiệp và PTNT phụ trách.
Về thuế nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đàm phán và các đối tác đã đồng ý xóa bỏ hoặc giảm thuế NK cho nông sản của ta. Tuy nhiên, ở nhánh thứ 2, công việc không thể nhanh như vậy. Bộ Nông nghiệp đã mất khoảng 10 năm để chứng minh với Trung Quốc về khả năng quản trị an toàn thực phẩm đối với mặt hàng sữa của ta. Mãi tới gần đây họ mới đồng ý cho ta xuất khẩu sữa vào họ.
Cho nên, khi gặp khó với XK nông sản, cần phân định rõ khó khăn đó là ở nhánh nào. Nếu gặp khó ở nhánh 2 mà lại yêu cầu Bộ Công Thương đi giải quyết thì Bộ Công Thương quả thực không làm nổi.
Hiểu lầm thứ ba, chúng ta nghĩ Trung Quốc là nước thường xuyên thay đổi chính sách, thỉnh thoảng lại “cấm biên”. Thực tế không phải vậy. Chính sách của Trung Quốc đối với rau quả nhập khẩu từ nước ta về cơ bản là ổn định. Từ trước tới nay họ mới chỉ đồng ý nhập khẩu 8 loại trái cây từ nước ta. Bơ, na, sầu riêng, chanh leo, thạch đen .. không có tên trong danh sách này. Nhưng ta vẫn bán được các loại nông sản này vào Trung Quốc thông qua một hình thức đặc thù là “trao đổi cư dân”.
Tất cả các nước đều dành linh hoạt nhất định cho trao đổi hàng hóa giữa cư dân vùng biên. Người dân bên kia có thể sang bên này đi chợ, mua nải chuối, con gà mang về mà không phải qua kiểm dịch, khai báo xuất xứ, nộp thuế NK v..v, miễn là trong hạn mức nhất định.
Thương nhân ta và thương nhân Trung Quốc đã khai thác chính sách này, gom hạn mức của người dân để buôn bán lớn ở cả 2 chiều. Chính vì vậy mà các loại quả như bơ, sầu riêng, chanh leo .. vẫn xuất khẩu được. Đến khi nước bạn nhận thấy không thể kéo dài tình trạng này, quyết tâm đưa trao đổi cư dân về đúng với bản chất của nó thì nông sản của ta bị tắc vì ở kênh đàm phán chính thức (kênh thứ 2), ta vẫn chưa đàm phán xong. Bộ Nông nghiệp đã hết sức nỗ lực để đàm phán măng cụt, sắn nên tới nay 2 mặt hàng này đã đi được theo đường chính ngạch. Các loại quả khác Bộ Nông nghiệp vẫn đang tích cực đàm nhưng chắc phải cần thêm thời gian.
Hiểu lầm thứ tư là “được mùa mất giá” và “phải chiến thắng trên sân nhà”. Được mùa là cung tăng lên trong khi cầu không đổi. Theo quy luật cung – cầu, giá tất yếu sẽ giảm. Ta chiếm vị trí số 1 thế giới về sản lượng hạt tiêu và cà phê vối, đồng thời nằm trong Top 5 thế giới đối với nhiều nông sản khác. Cả thế giới nín thở theo dõi mùa vụ của ta bởi họ biết nếu ta được mùa, giá sẽ giảm mạnh. Chỉ có chúng ta không ngừng thắc mắc: “Vì sao được mùa giá lại giảm”?
Bài toán sản lượng đối với 1 số chủng loại nông sản, vì vậy, là bài toán quan trọng. Sản xuất ít đi đôi khi giúp ta bán được giá cao hơn, tổng doanh thu có thể lớn hơn so với sản xuất nhiều rồi bán giá thấp do cung vượt cầu.
Tiếp theo, nông sản của ta rất phong phú, nhiều loại chất lượng rất tốt, chiếm được tình cảm của người tiêu dùng quốc tế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả các loại nông sản mà ta làm ra đều tốt hơn sản phẩm của nước ngoài và vì thế, ta không thể thua trên sân nhà. Có những sản phẩm ta sẽ thua vì thổ nhưỡng và khí hậu không phù hợp, như quả đào, quả hồng. Nếu cứ yêu cầu Chính phủ phải hỗ trợ cho các loại nông sản ý, giúp chúng “không thua trên sân nhà” thì rất khó.
Hiểu lầm thứ năm, xuất khẩu là cứu cánh duy nhất cho sản xuất nông nghiệp.
Ta có thể giúp sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ bà con nông dân bằng nhiều cách. Trước hết là phát triển công nghiệp, dịch vụ, giúp thu hút bớt lao động từ nông nghiệp. Một hộ gia đình 10 lao động với 2 sào đất thì sinh kế sẽ vất vả hơn nhiều so với một hộ có diện tích đất tương tự nhưng chỉ phải nuôi 3 lao động.
Xuất phát từ đây mà ta đàm phán các FTA để tham gia các chuỗi giá trị, tăng sản xuất công nghiệp, giúp thu hút bớt lao động dư thừa trong khu vực nông nghiệp. Ta cũng có thể giúp bà con qua công tác giống, thủy lợi, khuyến nông v..v, tức là giúp ở những khâu phụ trợ nhưng rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Nếu làm tốt những khâu này, chất lượng sản phẩm sẽ tăng lên và nông sản của ta sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn trên trường quốc tế. Nói tóm lại, có nhiều cách để giúp người nông dân. Xuất khẩu chỉ là một trong các cách đó mà thôi./.
(HN st -Theo Dân Việt)