Sau 10 năm triển khai Nghị định số 45 của Chính phủ, công tác khuyến công được triển khai sâu rộng, thu hút vốn đối ứng từ doanh nghiệp công nghiệp nông thôn.

Theo bà Đinh Thị Huyền Linh - Trưởng phòng Quản lý Khuyến công, Cục Công Thương địa phương, sau 10 năm Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến công được ban hành. Các hoạt động khuyến công được triển khai sâu rộng, bám sát mục tiêu theo nghị định; động viên được các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào sản xuất công nghiệp nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…

10 năm qua, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho khuyến công hơn 2.500 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Trung ương khoảng 41%, ngân sách của địa phương khoảng 59%, vốn đối ứng của doanh nghiệp khoảng 10.500 tỷ đồng. “Như vậy, 1 đồng vốn ngân sách Nhà nước huy động được 4 đồng vốn đối ứng từ các cơ sở công nghiệp nông thôn. Đây là con số đáng ghi nhận trong quá trình triển khai công tác khuyến công, cũng như quá trình công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn”, bà Đinh Thị Huyền Linh nói.

Những nội dung nổi bật của hoạt động khuyến công có thể “điểm danh”, như: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn để phổ biến sản phẩm mới, công nghệ mới thực hiện được 630 mô hình; hơn 8.000 cơ sở được hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ tổ chức bình chọn và công nhận 1.630 sản phẩm cấp khu vực, hơn 500 sản phẩm cấp quốc gia; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp…

Trong quá trình triển khai Nghị định số 45, ngoài kết quả đáng ghi nhận, theo bà Đinh Thị Huyền Linh còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, Nghị định số 45 quy định đa dạng nội dung hoạt động khuyến công nhưng trong quá trình triển khai còn một số nội dung chưa được thực hiện rộng rãi, chủ yếu tập trung triển khai những nội dung mang lại giá trị gia tăng cao cho sản xuất công nghiệp nông thôn, như xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất. Cùng đó, một số nội dung hạn chế triển khai do trùng lặp với các chương trình của Bộ ngành khác như chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Một khó khăn nữa, được đại diện Cục Công Thương địa phương nêu ra liên quan đến kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị triển khai công tác khuyến công thuộc các Sở Công Thương. Theo chủ trương của Chính phủ về rà soát để tổ chức lại đơn vị sự nghiệp hiện một số địa phương có điều chỉnh theo hướng đưa các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Công Thương đang thực hiện nhiệm vụ khuyến công về đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh. Điều này đang không thống nhất và đồng bộ với quy định tại Nghị định số 45 và gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

Ngoài ra, những năm gần đây công tác khuyến công được triển khai trọng tâm, trọng điểm nhưng tại địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa do hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực của các cơ sở sản xuất nên vẫn tồn tại số ít đề án nhỏ lẻ, chưa thực sự phát huy hiệu quả công tác khuyến công trong hỗ trợ cá nhân, tổ chức phát triển sản xuất kinh doanh.

Để khắc phục những tồn tại trên, trong thời gian tới, Bộ Công Thương có định hướng rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách và hoàn thiện khung pháp lý về khuyến công cho phù hợp với tình hình mới. Thực hiện điều này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh thành phố, Bộ ban ngành xây dựng báo cáo tổng kết. Báo cáo này dự kiến sẽ được báo cáo thông qua tại hội nghị tổng kết Nghị định số 45 được tổ chức ngày 14/12/2023 tới đây.

Dự kiến sau hội nghị tổng kết, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định để báo cáo Chính phủ, kế hoạch báo cáo ban hành nghị định mới về hoạt động khuyến công, trong đó có sự rà soát toàn diện trên cơ sở kế thừa kết quả tích cực của giai đoạn trước và nội dung nào cần cập nhật sẽ có sự rà soát và cập nhật”, bà Đinh Thị Huyền Linh cho hay.

Thông tin thêm về hội nghị tổng kết Nghị định số 45, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết: Đây là lần đầu tiên Cục Công Thương địa phương tổ chức đánh giá Nghị định quan trọng này. Thông qua đó để tổng kết, nhìn nhận lại kết quả và xem xét sửa đổi hoặc xây dựng nghị định mới về hoạt động khuyến công.

Khuyến công gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời gắn với chương trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá công nghiệp, do vậy tầm ảnh hưởng là rất lớn, chính sách này cần theo kịp xu thế phát triển”, ông Ngô Quang Trung nhấn mạnh.

Nguồn: congthuong.vn

Ảnh: Văn Đốc - TTKC1

ST: NTB