Những tháng đầu năm 2020, dịch Covid - 19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khuyến công của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, hầu hết đề án đều đang thực hiện theo tiến độ, các cơ sở đã huy động tốt phần vốn của mình…

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Yên Bái, năm 2020, nguồn kinh phí khuyến công địa phương được UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí 3 tỷ đồng; trong đó, thực hiện hỗ trợ 18 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, với tổng kinh phí 2.470 triệu đồng; kinh phí thực hiện các hoạt động khuyến công khác 530 triệu đồng. Có thể kể đến như: Hợp tác xã nông nghiệp Minh Bảo (thôn Thanh Niên, xã Minh Bảo, TP. Yên Bái) được hỗ trợ 130 triệu đồng đầu tư dây chuyền chế biến mật ong thành phẩm, với năng suất 250kg/mẻ. Hay hộ kinh doanh Nguyễn Ngọc Tân (thôn Lưỡng Sơn, xã Văn Phú, TP. Yên Bái) được hỗ trợ 150 triệu đồng mua máy xếp ván tự động để sản xuất gỗ ván ép… Đây chỉ là 2 trong 18 đề án được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, dự kiến được hoàn thành nghiệm thu trước ngày 30/9/2020. 

Các cơ sở bảo đảm triển khai xây dựng theo đề án đã được duyệt.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt 2 đề án khuyến công quốc gia (KCQG) hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, với tổng kinh phí hỗ trợ 900 triệu đồng, cho 3 cơ sở thụ hưởng. Tuy nhiên, có 2 cơ sở triển khai đề án đảm bảo tiến độ đề ra; 1 cơ sở thay đổi kế hoạch sản xuất, kinh doanh nên chủ động đề nghị ngừng triển khai đề án. Việc ngừng triển khai đã được trung tâm báo cáo Sở Công Thương và được sự nhất trí đề nghị Cục Công Thương địa phương chấp thuận. Hiện, 2 đề án KCQG đang tăng tốc để hoàn thành nghiệm thu trước ngày 30/9/2020. Ngoài ra, trung tâm cũng có phương án đăng ký bổ sung đề án để thực hiện hoàn thành 100% chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Tiến Thịnh – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Yên Bái – đánh giá, hầu hết các đề án đều thực hiện đảm bảo tiến độ, kinh phí hỗ trợ đến đúng đối tượng. Các cơ sở đã huy động tốt phần vốn để đảm bảo triển khai xây dựng theo đề án đã được duyệt. Mặc dù 6 tháng đầu năm 2020, chưa có đề án nào hoàn thành nghiệm thu, song trung tâm sẽ tích cực kiểm tra, đôn đốc cơ sở thụ hưởng tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hoàn thành 100% giá trị kế hoạch kinh phí được phê duyệt.

Bên cạnh đó, tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác khuyến công được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ; tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển CNNT đến các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân.

Ông Nguyễn Tiến Thịnh cho biết: "Trung tâm khuyến công sẽ tiếp xúc với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đề án. Hướng dẫn cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai thực hiện các hạng mục đầu tư theo đúng nội dung đề án được phê duyệt".

Theo chia sẻ của đơn vị thụ hưởng, công tác khuyến công giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, tạo sản phẩm có tính cạnh tranh, từ đó giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Năm 2020 dự kiến tạo việc làm cho khoảng 300 lao động có thu nhập bình quân 4 – 6 triệu đồng/người/tháng. 

Theo Langngheviet.com.vn