Việc xây dựng thương hiệu tập thể là yếu tố quyết định giúp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của tỉnh Bắc Ninh khẳng định được vị thế trên thị trường.

Trên cơ sở "Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp do Chính phủ thực hiện từ năm 2005", tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai Đề án "Xây dựng, quản lý, quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020". Theo nội dung đề án, toàn tỉnh đã tạo dựng thương hiệu cho một số sản phẩm truyền thống gắn liền với địa danh như: Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, đồng Đại Bái, gốm Phù Lãng, tre trúc Xuân Lai, mây tre đan Xuân Hội… Thành công của các thương hiệu này làm cơ sở tiếp tục quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phát huy lợi thế cạnh tranh cho các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Thực tế cho thấy, không chỉ các sản phẩm nông nghiệp mà sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề của tỉnh sau khi đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở thị trường trong và ngoài nước đã có những thay đổi tích cực về thương hiệu và giá trị, nâng cao uy tín, danh tiếng sản phẩm.Cụ thể, giá trị các sản phẩm đồng Đại Bái, gốm Phù Lãng, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ... tăng trung bình từ 10 - 15%. Đồng thời, các sản phẩm được bảo hộ thương hiệu cũng là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Đồng Đại Bái, gốm Phù Lãng… là những sản phẩm đã có chỗ đứng nhất định ở thị trường trong nước và một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đài Loan, nhưng nhờ có thương hiệu làng nghề riêng được bảo hộ sở hữu trí tuệ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước châu Âu và Đông Nam Á.

Bên cạnh những lợi thế của thương hiệu riêng và uy tín từ tên gọi truyền thống từ lâu đem lại, thực tế vẫn còn những khó khăn, hạn chế tồn tại chưa dứt điểm. Đại diện Sở khoa học và Công nghệ Bắc Ninh cho biết, số lượng các sản phẩm nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ truyền thống của tỉnh được đăng ký bảo hộ thương hiệu không nhiều. Do đó, việc lạm dụng, làm giả, làm nhái hàng hóa của các làng nghề vẫn diễn ra, trong khi hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào có thể giải quyết tình trạng này nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh tiếng của sản phẩm làng nghề.

Trước tình hình đó, tỉnh Bắc Ninh xác định những thế mạnh của nghề truyền thống để có những bước đi đúng đắn theo đề án đã xây dựng nhằm khẳng định và phát huy giá trị của nhãn hiệu tập thể; tăng cường phát triển các mối liên kết, sản xuất hàng hóa theo chuỗi sản phẩm để phát triển bền vững. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động tìm mở rộng thị trường tiêu thụ, chú trọng đầu tư quảng bá thương hiệu để gia tăng giá trị cho sản phẩm làng nghề nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Song song với đó, thực hiện tốt bảo tồn, phát triển loại hình ngành nghề truyền thống, lưu giữ nét tinh hoa văn hóa của mỗi vùng quê trên địa bàn tỉnh.

Đề án "Xây dựng, quản lý, quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020" có 5 mục tiêu chính: Bảo hộ thương hiệu và quảng bá uy tín của các sản phẩm truyền thống. Bảo đảm truy xuất nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Hỗ trợ đắc lực cho phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.


Nguồn: congthuong.vn