Hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đã nỗ lực phát triển thương hiệu, tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trên thị trường; từ đó, góp phần tăng sức cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Năm 2019, Công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo có 2 sản phẩm được tỉnh công nhận đạt tiêu chí OCOP, gồm: Hoa trà hoa vàng Tam Đảo, trà túi lọc trà hoa vàng Tam Đảo. Từ đó, công ty được các sở, ngành cũng như huyện Tam Đảo hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tem truy xuất, nhãn mác, tham gia hội chợ, triển lãm, gian hàng quảng bá xúc tiến thương mại…

Có thương hiệu, các sản phẩm của công ty được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, tin tưởng sử dụng; doanh thu tăng 2-3 lần so với trước đây.

Xác định việc xây dựng thương hiệu cho nông sản không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao mà còn giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu, thời gian qua, công ty đã không ngừng sáng tạo, đầu tư trang thiết bị nhằm cải tiến chất lượng, quảng bá thương hiệu Trà hoa vàng.

Ngoài việc tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, công ty còn chủ động xây dựng website, đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, đăng ký nhãn hiệu TĐ-Golden Teaviet cho các sản phẩm từ trà hoa vàng của công ty.

Nhờ có thương hiệu, năm 2021, dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, doanh thu của công ty vẫn đạt hơn 400 triệu đồng.

Vừa qua, công ty còn liên kết với 3 hộ dân trên địa bàn huyện Tam Đảo, xây dựng vùng trồng cây trà hoa vàng trên diện tích khoảng 1 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhằm nâng tầm thương hiệu, đưa sản phẩm TĐ-Golden Teaviet ra thị trường quốc tế, công ty đang trong quá trình đàm phán với 1 số đối tác nước ngoài để mở rộng hệ thống đại lý thị trường ngoài nước.

Tận dụng lợi thế về phát triển du lịch cũng như các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, huyện Tam Đảo đã tập trung phân loại sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng có lợi thế để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, nâng tầm thương hiệu.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các sản phẩm chủ lực như su su, cây ba kích, trà hoa vàng...

Tuy nhiên, trên thực tế, đầu ra cho các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện còn chưa ổn định, thiếu tính hợp tác và liên kết bền vững, dẫn đến chưa phát huy hết tiềm năng.

Nhằm ổn định thị trường, nâng cao thu nhập cho người nông dân, thời gian tới, huyện Tam Đảo sẽ tập trung hoàn thiện và phát triển các sản phẩm có lợi thế của huyện như su su; thịt lợn và trứng gà an toàn (sản xuất theo hướng hữu cơ), na dai, nấm đông trùng hạ thảo, trà hoa vàng, ba kích, các sản phẩm từ sữa bò...

Trong đó, tập trung xây dựng thương hiệu dưới nhiều hình thức như nâng cao chất lượng, đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại; xây dựng các quầy giới thiệu và bán các sản phẩm thế mạnh tại các điểm du lịch; đẩy mạnh truyền, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông; khuyến khích các tổ chức kinh tế lập website riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Tập trung nhiều giải pháp phát triển sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng bằng cách xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…, đến nay, toàn tỉnh có hơn 60 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng.

Trong đó, phải kể đến nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như thanh long ruột đỏ Lập Thạch, tinh bột nghệ Tam Đảo, trà hoa vàng Tam Đảo, nấm đùi gà Phùng Gia, mật ong Tam Đảo, đông trùng hạ thảo Tam Đảo…

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu của các sản phẩm trên vẫn còn nhiều hạn chế, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở phạm vi trong tỉnh, thị trường tiêu thụ, giá cả chưa ổn định…

Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản chủ lực, góp phần mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân, cơ hội mở rộng SXKD cho các DN, ngoài các giải pháp hỗ trợ thiết kế bao bì, mẫu mã, tỉnh sẽ tập trung xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.

Xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm, ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hàng hóa; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng website, tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử; xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Làng nghề Việt