Chương trình hợp tác chiến lược quốc gia giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) có mục tiêu bao trùm là tăng thu nhập một cách bền vững cho các hộ sản xuất nhỏ và người nghèo ở nông thôn thông qua cải thiện tiếp cận thị trường và giảm thiểu tổn thương trước biến đổi khí hậu.

Văn kiện Chương trình hợp tác chiến lược quốc gia giữa Chính phủ Việt Nam và IFAD (gọi tắt là COSOP) là tài liệu định hướng chiến lược hợp tác của IFAD tại từng quốc gia theo giai đoạn từ 3 đến 5 năm với các nội dung: i) Bối cảnh nông nghiệp và nông thôn Việt Nam; ii) Lợi thế so sánh của IFAD ở cấp quốc gia; iii) Chiến lược mục tiêu theo vùng địa lý và nhóm đối tượng; iv) Các mục tiêu chiến lược; v) Lựa chọn các vùng tiếp nhận hỗ trợ của IFAD.
Giai đoạn 2019-2025, COSOP có các mục tiêu chiến lược sau:
- Mục tiêu chiến lược 1: Xây dựng các chuỗi giá trị bền vững cho người nghèo và thu hút đầu tư lớn hơn hơn từ khu vực kinh tế tư nhân;
- Mục tiêu chiến lược 2: Tăng cường và mở rộng tài chính bao trùm để phát triển các sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu;
- Mục tiêu chiến lược 3: Thúc đẩy sự phát triển môi trường bền vững & khả năng thích ứng trước biến đổi khí hậu của các hoạt động kinh tế của các nông hộ nhỏ.
Ngân sách dự kiến cho giai đoạn 2019-2025: Dự kiến quy mô tài chính và các mục tiêu đồng tài trợ: Mức trần nguồn vốn từ IFAD là khoảng 42 triệu USD cho kỳ IFAD 11 (2019-2021) và có thể tới 82 triệu USD cho kỳ IFAD 12 (2022-2025).
Toàn văn COSOP 2019-2025 được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

IFAD là một tổ chức tài chính phát triển thuộc hệ thống Liên hợp quốc. Việt Nam trở thành thành viên IFAD từ năm 1977. Bắt đầu từ năm 2018, lãi suất 6 tháng đầu năm của IFAD là 2,41% sau đó 6 tháng là 2,8% và cập nhật lãi suất, không có phí dịch vụ, thời gian ân hạn có thể lên tới 10 năm và thời hạn khoản vay có thể lên tới 35 năm.
Cho đến nay IFAD đã tài trợ cho Việt Nam 15 dự án/chương trình tại các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Gia Lai, Đắk Nông, Trà Vinh, Bến Tre, với tổng số vốn khoảng 320 triệu USD, trong đó viện trợ không hoàn lại trên 2,7 triệu USD (gồm vốn IFAD và huy động các nhà đồng tài trợ khác).

Nguồn Báo Chinhphu.vn