Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) mới, sáng tạo năm 2019 lần đầu tiên TP. Hà Nội tổ chức được kỳ vọng tạo sự lan tỏa các ý tưởng thiết kế mẫu sản phẩm mới, có tính ứng dụng và giá trị thẩm mỹ cao; đáp ứng yêu cầu thị trường, góp phần tăng cường mối liên kết giữa người thiết kế - thợ thủ công - nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng.

Sản phẩm vàng quỳ (làng nghề dát vàng, bạc Quỳ, xã Kiêu Kỵ); mây, tre đan (làng nghề Phú Vinh); sơn mài (làng nghề sơn mài Hạ Thái)… cùng 500 mẫu sản phẩm thiết kế mới do các chuyên gia trong nước, nước ngoài hỗ trợ thực hiện; sản phẩm đạt giải cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN Hà Nội năm 2019 đã có mặt tại Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng TCMN mới, sáng tạo năm 2019 diễn ra từ ngày 21 - 23/11 tại Khu triển lãm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội (thôn 1, làng cổ Bát Tràng). Mang đến triển lãm các sản phẩm thiết kế mới, có tính ứng dụng cao, chị Nguyễn Thị Hân - chủ cơ sở sản xuất mây, tre đan Hân Hạnh (làng nghề mây, tre đan Phú Vinh) - cho biết: Không chỉ giới thiệu sản phẩm từ cơ sở, các nghệ nhân, người làm nghề cùng nhau trao đổi, học hỏi.

Chuyên sản xuất, gia công các sản phẩm với chất liệu đa dạng từ cây bông, polyester, cotton, gấm…, nghệ nhân Trần Văn Vinh - người có thâm niên và tay nghề trên 50 năm trong lĩnh vực làm bông truyền thống Trát Cầu - đã mang những sản phẩm độc đáo, sáng tạo nhất đến với triển lãm. Mỗi sản phẩm đều có một câu chuyện và ý nghĩa riêng. Nghệ nhân Trần Văn Vinh cho hay, bông nghệ thuật không chỉ dừng lại ở các sản phẩm sử dụng thông thường mà đã được nâng lên thành những tác phẩm nghệ thuật. Đến với triển lãm, nghệ nhân Trần Văn Vinh kỳ vọng có thể chia sẻ ý tưởng với các bạn nghề, cũng như học tập kinh nghiệm của các nghệ nhân khác về thiết kế mẫu sản phẩm mới có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - khẳng định, triển lãm là dịp để công chúng, những người yêu thích, quan tâm đến ngành TCMN có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm sáng tạo, mang giá trị thẩm mỹ, tính ứng dụng cao của nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, sản xuất và thân thiện với môi trường. Triển lãm là tiền đề xây dựng và hình thành các sàn giao dịch thiết kế, mẫu sản phẩm TCMN mới, sáng tạo trên địa bàn thành phố, phục vụ cho phát triển TCMN nói chung và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nói riêng.

Thực tế hiện nay, thiết kế mẫu mã vẫn đang là khâu yếu nhất của các làng nghề. Hầu hết các nghệ nhân chủ yếu làm theo kinh nghiệm, không được đào tạo bài bản, chủ yếu tiếp cận các thiết kế trên mạng hoặc do chính khách hàng đặt làm theo mẫu mã. Do đó, rất cần vai trò của nhà nước làm cầu nối giữa làng nghề, các nghệ nhân làng nghề với trường đại học mỹ thuật trên địa bàn. Từ đó, có thể lan tỏa các mẫu thiết kế từ ý tưởng vào thực tiễn, tạo ra sản phẩm mang tính ứng dụng cao, hiện đại, bắt kịp xu hướng. Cùng với việc phát triển mẫu mã thiết kế mới, các nghệ nhân làng nghề kiến nghị việc bảo vệ bản quyền để có động lực phát triển sản phẩm, thiết kế mẫu mã mới.

Triển lãm giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngành TCMN Hà Nội học tập, tìm hiểu và đưa các thiết kế vào sản xuất, phát triển sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.


Theo congthuong.vn