HOẠT ĐỘNG CÔNG THƯƠNG ĐỊA PHƯƠNG
Thay vì bán rẻ rắn thương phẩm do bị thương lái ép giá, dưới sự hỗ trợ của UBND xã, các hộ dân trên địa bàn xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường đã chủ động kết hợp với một số công ty nam dược chế biến các sản phẩm từ rắn cho giá trị kinh tế cao hơn.

Nỗ lực đa dạng hóa thị trường

Theo ông Nguyễn Văn Dũng- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, nghề nuôi rắn đã trở thành nghề chính, cho thu nhập cao tại Vĩnh Sơn với khoảng 800/1.300 hộ gia đình trong xã làm nghề. Hiện hầu hết các hộ gia đình tại Vĩnh Sơn nuôi rắn sinh sản, một số ít hộ nuôi và bán rắn thương phẩm. Các sản phẩm từ rắn của Vĩnh Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Hiện giá rắn thương phẩm khá cao, ở mức 700 nghìn đồng/kg với rắn có trọng lượng 1,5 kg, loại có trọng lượng từ 2k kg trở lên có giá khoảng 800 nghìn đồng/kg. Trứng rắn có giá từ 80 - 85 nghìn đồng/quả.

Tuy nhiên, rắn thương phẩm, trứng rắn tại Vĩnh Sơn hiện vẫn chủ yếu được thương lái Trung Quốc thu mua, chỉ một số rất ít được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Do phụ thuộc vào một thị trường tiêu thụ, người dân làm nghề tại Vĩnh Sơn không ít lần bị thương lái ép giá, buộc phải bán sản phẩm với giá rẻ, thậm chí thu không đủ bù chi.

Trước hiện trạng đó, thay vì bán rẻ, một số hộ dân tại xã nghề đã chủ động liên kết với Trung tâm Y học thể thao (Viện khoa học Thể dục- Thể thao) và công ty nam dược chế biến cao xoa bóp từ rắn. Năm 2017, một hội thảo lớn được tổ chức tại xã nhằm tìm kiếm các nhà đầu tư và đánh giá khả năng ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đa dạng các sản phẩm từ rắn; giải pháp xây dựng thương hiệu; xây dựng mô hình làng nghề liên kết theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi, chế biến rắn gắn với du lịch, dịch vụ và phát triển thương mại hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho làng nghề.

Nói về những nỗ lực này của Vĩnh Sơn, ông Nguyễn Huy Khải- Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn- Hiệp hội làng nghề Việt Nam bày tỏ: Xã nghề Vĩnh Sơn muốn phát triển bền vững cần tuân theo xu hướng thị trường. Các hộ gia đình liên kết, hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm khiến sản xuất chuyên nghiệp hơn, tạo ra sản phẩm tinh, đầu tư thích đáng cho bao bì sản phẩm. “Vĩnh Sơn có thể liên kết với một số làng nghề gốm… để sản xuất bao bì đóng gói có tính độc đáo, gia tăng giá trị cho sản phẩm”, ông Nguyễn Huy Khải đề xuất.

Vẫn cần trợ sức

Mặc dù đã khá chủ động và tìm ra giải pháp hữu hiệu trong tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Dũng cũng cho hay, xã nghề Vĩnh Sơn hiện đang gặp nhiều trở ngại trong mở rộng quy mô sản xuất.

Quy hoạch làng nghề rắn Vĩnh Sơn đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2006 với tổng diện tích 20,87ha, trong đó giai đoạn I đã thu hồi 22.787 m2, tuy nhiên giải phóng mặt bằng diện tích còn lại đang gặp nhiều khó khăn do mức đền bù thấp. Cơ chế hỗ trợ của tỉnh để thực hiện quy hoạch chưa hấp dẫn, ngân sách chi rất thấp, ngân sách xã eo hẹp trong khi kinh phí giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng là rất lớn. Việc chăn nuôi và chế biến rắn được thực hiện ngay tại hộ gia đình ảnh hướng đến môi trường sống của người dân.

Để hỗ trợ xã nghề tháo gỡ những nút thắt trên, đại diện UBND xã Vĩnh Sơn đề xuất: UBND tỉnh và huyện có giải pháp hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng khu quy hoạch làng nghề, có chủ trương và cơ chế cụ thể để giải phóng dứt điểm số diện tích còn lại. Nâng mức hỗ trợ kinh phí để thực hiện quy hoạch làng nghề lên mức 20 tỷ đồng/quy hoạch; hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng. Hỗ trợ thêm về nguồn vốn vay cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình phát triển sản xuất.

Ngoài ra, các cấp chính quyền hỗ trợ thêm nguồn kinh phí khuyến công nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các nghề tiểu thủ công nghiệp khác trên địa bàn xã phát triển.


TBT.KConline