DOANH NGHIỆP - LÀNG NGHỀ
Chương trình khuyến công đã dành nguồn kinh phí đáng kể hỗ trợ cho nhiều cơ sở sản xuất tại các làng nghề đầu tư phát triển, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thái Nguyên là thủ phủ, cũng đồng thời là địa phương có số lượng làng nghề chè lớn nhất cả nước. Năm 2021, Thái Nguyên công nhận thêm 8 làng nghề mới nâng tổng số làng nghề chè trên địa bàn tỉnh lên 249.

Cùng với việc công nhận, những năm qua, Thái Nguyên đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ cho làng nghề chè phát triển. Riêng với ngành Công Thương, thông qua chương trình khuyến công, Sở Công Thương Thái Nguyên đã đồng hành với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chè trên địa bàn tỉnh hướng đến chế biến sâu, nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm.

Năm 2021, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị chế biến chè - làng nghề điểm 2021”. Theo đó, Sở Công Thương đã đầu tư mới 230 máy vò chè cho các làng nghề với tổng số vốn trên 1,191 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách hỗ trợ 50%. Theo ghi nhận từ các đối tượng thụ hưởng, do đều là những thiết bị hiện đại nên máy vò chè có nhiều ưu điểm nổi trội: Điều chỉnh nhiệt độ nhanh, không có mùi khói, thân máy cứng vững, chạy êm, không rung lắc, tiết kiệm điện năng. Đặc biệt, sản phẩm chè đưa ra thị trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do hạn chế được bụi, cũng như gỉ sét gây ra trong quá trình sao, giá trị sản phẩm tăng từ 20 - 25% so với phương pháp thủ công.

Cũng chính bởi sự đồng hành của nguồn vốn khuyến công, thương hiệu chè Thái Nguyên trên thị trường ngày càng được nhận diện, chiếm lòng tin của người tiêu dùng. Hơn nữa, những giá trị kinh tế mang lại từ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất đã tạo sức lan tỏa, thu hút các cơ sở sản xuất khác quan tâm đầu tư.

Thái Nguyên là điển hình của mối quan hệ tương tác, đồng hành khuyến công - làng nghề. Chia sẻ ở góc độ vĩ mô hơn, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - cho hay: Công tác khuyến công đã trở thành người bạn đồng hành của các làng nghề. 5 năm gần đây, được sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, hiệp hội đã tổ chức 15 cuộc hội thảo tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước; đào tạo khởi sự doanh nghiệp; đào tạo nghệ nhân, thợ giỏi. Các khóa đào tạo đã định hướng về xu thế phát triển của nghề thủ công truyền thống tại các làng nghề, nâng cao hàm lượng văn hóa, tăng tính hiện đại và hội nhập xu hướng cho sản phẩm.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền về khuyến công được chú trọng đã giúp nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh tại làng nghề biết và tham gia thụ hưởng để đổi mới sản xuất, kinh doanh.

Ông Lưu Duy Dần cũng cho biết: Làng nghề giao thoa nhiều lĩnh vực, ngoài vấn đề sản xuất, tiêu thụ còn liên quan đến yếu tố văn hoá. Do vậy, du lịch cũng là yếu tố quan trọng để khu vực làng nghề phát triển. “Chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, địa phương phối hợp phát triển hạ tầng, tạo điều kiện cho du lịch làng nghề phát triển hơn nữa” - ông Lưu Duy Dần nói.

Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng đề nghị: Bộ Công Thương tổ chức liên hoan, hoặc cuộc thi tinh hoa sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam hay tinh hoa sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tạo điểm nhấn mạnh mẽ hơn nữa thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước; tổ chức xét, công nhận nhiều hơn nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, thợ giỏi nhằm phát huy ảnh hưởng của đối tượng này đối với sản xuất và hướng phát triển của các làng nghề.

Phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề là một trong những nội dung được chương trình khuyến công ưu tiên thực hiện trong nhiều năm qua.

Theo Báo Công Thương