Hiệp hội các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh Quảng Nam hình thành, được kỳ vọng sẽ là nơi tiếp nhận thông tin, đồng thời là cầu nối đưa chính sách khuyến công tới gần hơn với các cơ sở CNNT.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công- Xúc tiến thương mại- Quản lý cửa khẩu (trung tâm) Quảng Nam, ngành CNNT của tỉnh phát triển còn khiêm tốn, manh mún và không có nhiều ngành nghề, sản phẩm chủ lực. Các cơ sở sản xuất ít về số lượng, hạn chế về năng lực, mẫu mã sản phẩm CNNT theo đó nghèo nàn, chất lượng không cao. Điều này dẫn tới sản phẩm CNNT Quảng Nam chưa được đông đảo người tiêu dùng trên cả nước biết tới. Đặc biệt, do quy mô nhỏ lẻ, hoạt động manh mún, các cơ sở sản xuất CNNT của tỉnh chưa liên kết chặt chẽ với nhau cũng như với các ngành kinh tế khác để hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ khép kín.

Trước thực trạng trên, những năm qua, khuyến công Quảng Nam đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực cả về sản xuất và tiêu thụ. Theo đó, trung tâm đã hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Tư vấn cho các cơ sở CNNT lập dự án kinh doanh, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, tuyển dụng, đào tạo lao động, huy động vốn, xin ưu đãi đầu tư.

Cùng đó, trung tâm cũng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản trị điều hành cơ sở và kiến thức cơ bản về kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Hỗ trợ cung cấp thông tin, tiếp thị, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh và tổ chức triển lãm, hội chợ, giới thiệu sản phẩm. Cùng đó, tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, trao đổi kinh nghiệm và tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất CNNT liên kết, tham gia các hiệp hội ngành nghề.

Để đồng hành cùng các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, ngoài các nội dung đã hỗ trợ, thời gian tới, Quảng Nam sẽ hỗ trợ xúc tiến hình thành Hiệp hội các cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn tỉnh. Hiệp hội sẽ thực hiện 2 chức năng: Liên kết giữa các đơn vị thành viên, trao đổi kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh, chia sẻ cơ hội kinh doanh; phản ánh nguyện vọng, kiến nghị của các cơ sở CNNT thành viên với các cơ quan quản lý nhà nước, truyền tải thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước tới các thành viên.

Theo đại diện Trung tâm Khuyến công- Xúc tiến thương mại- Quản lý cửa khẩu Quảng Nam, hiệp hội sẽ là tổ chức đại diện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời là cầu nỗi hữu hiệu đưa chính sách khuyến công tới gần hơn nữa với các cơ sở CNNT từ đó thuận lợi trong triển khai các hoạt động.

Tuy vậy, để khơi thông phát triển CNNT trên địa bàn tỉnh, khuyến công Quảng Nam cần sự hỗ trợ hơn nữa về nguồn lực. Theo đó, đề nghị Bộ Công Thương gia tăng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ Quảng Nam. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính giúp địa phương trong triển khai các chương trình, đề án.

Bên cạnh đó, các cơ sở CNNT cần chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.

Khuyến công Quảng Nam đã nỗ lực huy động đa dạng nguồn lực hỗ trợ cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo Báo Công Thương