Sinh ra trong cái nôi của làng quê vốn nổi danh với nghề chạm bạc truyền thống, nghệ nhân Đặng Xuân Tư (thôn Văn Hanh, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) sớm bén duyên với những nét hoa văn uốn lượn tinh xảo trên chất liệu bạc. Xã hội cứ thế phát triển, nhiều người không còn mặn mà với cái nghiệp tay búa, tay đục nhưng ông Tư vẫn chọn gắn bó với nghề của cha ông. Để giờ đây, ông là một trong số những người có thâm niên cao của vùng nghề chạm bạc Lê - Hồng - Trà.
Khi nhắc đến nghề chạm bạc là người ta nhắc đến Đồng Xâm nhưng ít ai biết rằng nguồn gốc chính của làng chạm bạc Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình nay đã phát triển, lan rộng ra hai xã lân cận là Lê Lợi và Trà Giang, hình thành một vùng làm nghề rộng lớn, chạy dài khoảng 6 km, được gọi với cái tên vùng nghề chạm bạc Lê - Hồng - Trà.
Đi dọc những con đường, con ngõ của vùng nghề, đâu đâu cũng nghe thấy những tiếng búa chạm bạc rộn rã trong từng hộ gia đình. Tuyệt vời hơn khi được tận mắt nhìn thấy những người thợ tài hoa đang tỉ mỉ, cần mẫn chế tác đồ trang trí, trang sức bằng bạc tinh xảo.

Dù đã 82 tuổi, nhưng hàng ngày nghệ nhân Đặng Xuân Tư vẫn cần mẫn, cặm cụi với nghề chạm bạc

Đã bước vào độ tuổi xưa nay hiếm - 82 tuổi, đôi bàn tay nhăn nheo, đôi mắt đã cần sự trợ giúp của cặp kính lão nhưng nghệ nhân Đặng Xuân Tư vẫn là một trong những “tay” chạm trổ, chế tác tài hoa, điêu luyện của vùng. Hàng ngày ông vẫn cần mẫn, cặm cụi với nghề. Những nhát búa đều tay thoăn thoắt, nét chạm sắc và uyển chuyển, suốt bao năm nay đã tạo ra những sản phẩm độc đáo hội tụ nét tinh tế tài hoa và ẩn chứa tình yêu, sự tâm huyết với nghề.
60 năm làm nghề, chẳng thể đếm hết được bao nhiêu mô hình Khuê Văn Các, bao nhiêu bộ khay chén, bộ đồ ăn cao cấp; hộp đựng trang sức chạm rồng phượng; hộp chữ nhật chạm trổ tứ linh... đã được tạo ra từ bàn tay của ông. Chỉ biết, những sản phẩm ông làm ra đều có giá trị văn hóa, kỹ thuật và mỹ thuật cao, thể hiện sự tinh xảo và được thị trường trong ngoài nước ưa chuộng.

Sản phẩm Bộ khay chén bằng bạc do Nghệ nhân Đặng Xuân Tư chạm trổ

Khi thấy nghệ nhân Đặng Xuân Tư chăm chút, kĩ lưỡng trong từng công đoạn nhỏ của quá trình chế tác bạc mới thấy tâm huyết của người thợ bạc đều đặt hết lên những sản phẩm của mình. Những người thợ làm bạc lâu năm như ông giờ cũng chẳng còn mấy người, có còn thì cũng chẳng đủ sức để theo nghề. 82 năm, ông đã chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của làng, của người thợ bạc và nghề chạm trổ. Ông tâm sự, làm nghề có 4 phương thức chế tác: Trơn, đấu, đậu, chạm. Trong đó, phương thức chạm yêu cầu kỹ thuật tỷ mỷ, phức tạp. Các sản phẩm đẹp là sản phẩm được chạm, khắc, trang trí không chỉ trên bạc, đồng hay trên bất kỳ chất liệu nào cũng phải thật sự tinh xảo, độc đáo, truyền tải được cái “hồn cốt” bên trong sản phẩm.
Cũng theo lời ông Tư, các sản phẩm ở vùng nghề chạm bạc Lê - Hồng - Trà độc đáo và tạo được sự khác biệt so với những nơi khác không chỉ nhờ vào kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm hay cách bố cục trang trí tinh vi cân đối, nổi rõ chủ đề chính, mà sự độc đáo khác biệt còn được thể ở sự tinh vi trong cách thức xử lý màu sắc sáng - tối phù hợp, nhờ tận dụng tốt đặc tính phản quang của chất liệu bạc.

Các sản phẩm do bàn tay nghệ nhân Đặng Xuân Tư tạo ra có giá trị về chất lượng cũng như thẩm mỹ, nghệ thuật cao

Nhờ có say mê trong nghề, nghệ nhân Đặng Xuân Tư đã góp phần gìn giữ nghề chạm bạc truyền thống của vùng nghề nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung. Các sản phẩm do bàn tay ông tạo ra cũng ngày càng được khẳng định về chất lượng cũng như giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật. Ông luôn quan niệm, muốn tạo ra sự cạnh tranh cho các sản phẩm truyền thống thì bản thân người thợ phải không ngừng trau dồi, sáng tạo ra những thứ độc đáo đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Nghệ nhân Đặng Xuân Tư đã trực tiếp sáng tác nhiều sản phẩm đẹp và đạt nhiều giải thưởng, trong đó “Bộ khay chén, Bộ đồ ăn cao cấp” được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2015; cá nhân ông được tặng Huy chương vì sự nghiệp phát triển Hợp tác xã của Liên Minh hợp tác xã Việt Nam năm 2004.

 

 

Theo Báo Công Thương