Từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng (TTKC&TKNL) Thanh Hóa đã kịp thời hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mua sắm máy móc, thiết bị, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm… tạo ra sức bật mới cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển.

Năm 2020, TTKC&TKNL Thanh Hoá đã ký 5 hợp đồng thực hiện 9 đề án Đề án Khuyến công quốc gia với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương). Đơn cử như Đề án Hỗ trợ ứng dụng dây chuyền thiết bị đồng bộ, tiên tiến trong sản xuất gạch không nung chất lượng cao cho Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ du lịch Sinh Vượng (huyện Quan Hóa). Với tổng mức đầu tư 2,77 tỷ đồng, toàn bộ dây chuyền sản xuất được đầu tư mới 100%, đúng model, công suất thiết kế, cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm. Những Đề án hỗ trợ phát triển chế biến lâm sản cho 5 đơn vị xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất gỗ tấm ván ghép thanh theo công nghệ ván ghép mộng thanh ngang cho Công ty TNHH Sản xuất chế biến lâm sản Hải Oanh (huyện Nông Cống). Hợp đồng này có tổng mức đầu tư là 17,83 tỷ đồng. Doanh thu thực hiện dự án trong năm đạt khoảng 31 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 30 lao động.

Những năm qua, hoạt động hỗ trợ của TTKC&TKNL Thanh Hoá đã có tác động tích cực đến nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn trong sản xuất kinh doanh. Các cơ sở sản xuất đã có điều kiện để đầu tư dây chuyền, máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, giảm công lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, công tác khuyến công cũng giúp các doanh nghiệp (DN) nhận thấy tầm quan trọng và quan tâm hơn đến các hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình trong tỉnh để giới thiệu và nhân rộng. Từ những thành công đã đạt được, năm 2021, TTKC&TKNL Thanh Hoá đã xây dựng các dự án, phương án hỗ trợ các DN để huy động nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ của khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương để hỗ trợ các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) có điều kiện phát triển sản xuất.

Dù đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, song hoạt động khuyến công của Trung tâm vẫn gặp phải nhiều khó khăn cần sớm tháo gỡ. Kinh phí hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng, cải tiến, đổi mới thiết bị, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, do đó chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển CNNT. Ngoài ra, quy mô các cơ sở CN-TTCN trên địa bàn tỉnh phần lớn là vừa và nhỏ, chậm đổi mới ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, phương thức sản xuất, kinh doanh nên không thể dành kinh phí để hỗ trợ phát triển sản xuất cho các doanh nghiệp…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công và phát huy tối đa vai trò thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN, TTKC&TKNL Thanh Hoá đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó việc cụ thể hóa các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước được đẩy mạnh. Trung tâm cũng huy động các nguồn lực hỗ trợ DN tập trung đầu tư, đổi mới, ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN. Tập trung hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ, từ đó tạo động lực cho ngành CN-TTCN trong tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh, giữ vững thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, Trung tâm cũng rất coi trọng việc gắn kết mối quan hệ giữa DN với các hoạt động của Trung tâm nhằm giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời để DN phát triển sản xuất ổn định.

Ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc TTKC&TKNL Thanh Hoá cho biết: “Mặc dù nguồn hỗ trợ còn khiêm tốn, nhưng kinh phí khuyến công đã trở thành động lực, là vốn mồi giúp các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận thị trường… Công tác khuyến công đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng dư thừa trên địa bàn, đáp ứng tốt phương châm "ly nông không ly hương", góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm các tệ nạn xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn”.

Với phương pháp đúng đắn và cách làm thiết thực, hiệu quả, TTKC&TKNL Thanh Hoá thực sự là động lực thúc đẩy sản xuất CN-TTCN phát triển, là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT bước ra thị trường lớn, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng KT-XH của tỉnh.

Từ năm 2020 đến nay, Sở Công Thương Thanh Hoá đã triển khai Đề án khuyến công quốc gia, hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến cho 6 DN với tổng kinh phí 5,6 tỷ đồng. Các chương trình khuyến công địa phương đã hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến để sản xuất các sản phẩm CN-TTCN cho 12 DN. Ngoài ra hoạt động xây dựng chương trình quảng bá sản phẩm, mô hình cơ sở sản xuất, kinh doanh điển hình cũng được đẩy mạnh với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng.

Theo Công nghiệp tiêu dùng