Phát triển nông nghiệp vẫn và đang là mũi nhọn của tỉnh Lào Cai, trong đó mục tiêu là xây dựng vùng sản xuất lúa gạo đặc sản. Từ năm 2010, tỉnh Lao Cai đã triển khai đề án "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp". Bát Xát là huyện có diện tích nông nghiệp tương đối lớn, một trong vùng có nhiều nông sản đặc sản, đặc biệt là gạo Séng Cù.

Chiếc máy phân loại màu gạo của Hợp tác xã Tiên Phong, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là một trong những máy móc công nghệ hiện đại đang được đưa vào sản xuất, đã được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, trong đề án: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gạo. Chiếc máy phân loại màu gạo hoạt động theo quy trình cài đặt tự động. Gạo được chứa trong phễu chứa, qua bộ rung định lượng đưa các dòng gạo vào máng trượt một cách đều đặn. Khu vực cảm biến của máy là các bộ quận quét camera. Khi hạt gạo được đưa đến đây, được chiếu sáng bởi các đèn led, các hạt gạo xấu, có màu sắc bất thường như màu nâu màu đen sẽ được các mắt thần quét và phân loại sang 1 khay riêng. Và kết quả cuối cùng sau khi gạo qua máy tách màu và máy sấy sẽ là sản phẩm gạo đều hạt và có chất lượng cao.

Ông Đào Xuân Đức - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Lào Cai (Trung tâm) cho biết: Trung tâm Khuyến công đã tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp mở rộng sản xuất để đáp ứng được sức tiêu thụ của bà con nông dân, đặc biệt với sản phẩm gạo Séng Cù là loại đặc sản gạo của Lào Cai. Sau khi nhận thấy, để có sản phẩm gạo đạt chất lượng cao cần thiết phải ứng dụng thiết bị máy móc hiện đại vào dây chuyền chế biến. Cho nên chúng tôi đã tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp đầu tư mua sắm thiết bị, trong đó được hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Cụ thể, Trung tâm  đã hỗ trợ cho doanh nghiệp một máy tách màu, nhằm nâng cao giá trị của hạt gạo Séng Cù, khi đưa ra thị trường không còn lẫn những hạt đen, mốc, vỡ vụn nữa.

Được đưa về từ huyện Mường Khương, giống lúa Séng Cù đã thích nghi với thổ nhưỡng và khí hậu của Bát Xát, mang lại hiệu quả cao về kinh tế cho bà con nơi đây. Bát Xát là huyện có diện tích nông nghiệp tương đối lớn của tỉnh Lào Cai. Từ năm 2010, tỉnh Lào Cai đã triển khai đề án "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp" trong đó mục tiêu là xây dựng vùng sản xuất lúa. Việc hình thành hợp tác xã thu mua lúa cho các hộ dân, giúp bà con không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm đã khiến người dân nơi đây phấn khởi.

Ông Phạm Minh Tuân - thôn Làng mới, xã Mường Bi, huyện Bát Xát – Lào Cai cho biết: Trước kia xã cấy nhiều loại, nhưng giờ chỉ cấy loại Séng Cù này thì thấy năng suất hơn, giá thành cao hơn, đồng thời cũng có thu nhập cao hơn.

Cây lúa đã chứng minh được những ưu thế trong tiến trình phát triển kinh tế của huyện Bát Xát, nhưng để cây lúa thực sự trở thành hàng hóa mũi nhọn của địa phương thì vẫn còn nhiều việc phải triển khai. Tuy nhiên, với những cách làm mạnh bạo của Hợp tác xã (HTX) Tiên Phong trong việc đầu tư hệ thống các máy móc thiết bị hiện đại như hệ thống sấy, hệ thống xay xát và hệ thống kho bảo quản là những hoạt động đang được khuyến khích. Những định hướng đầu tư cũng như hoạt động của doanh nghiệp đã dựa trên những nghiên cứu khoa học về thế mạnh sẵn có của địa phương về địa hình thổ nhưỡng, kết hợp với việc tìm hiểu các loại máy móc phục vụ sản xuất gạo của các đơn vị cung cấp trong và ngoài nước, tạo ra sản phẩm gạo Séng Cù đạt tiêu chuẩn. Cách làm của HTX Tiên Phong góp phần giải quyết được công ăn việc làm cho lao động của địa phương, làm tăng lợi nhuận cho Hợp tác xã.

Theo Ông Cao Xuân Diễn - Giám đốc HTX Tiên Phong: Từ 4 năm nay HTX đã liên kết với hộ nông dân gieo hoạch Séng Cù vào 1 diện tích hơn 20 ha, xây dựng mô hình giống lúa thâm canh chất lượng cao để đưa ra thị trường nhằm đẩy mạnh thương hiệu cho bà con xã Mường Vi cũng như của HTX để các tỉnh khác biết tới nhằm nâng cao hiệu suất cũng như hiệu quả của sản phẩm. Ngoài ra HTX cũng đã được Trung tâm Khuyến công hỗ trợ về đăng ký nhãn hiệu và in nhãn mác bao bì để HTX đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng và đẹp mắt hơn.

Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gạo được triển khai là một trong những hoạt động cần thiết nhằm triển khai hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Mường Vi, huyện Bát Xát nói riêng và của tỉnh Lào Cai nói chung.

 

TBT.KConline