Lựa chọn các đơn vị và ngành nghề để hỗ trợ đúng hướng, đúng đối tượng, đúng mục đích là nhiệm vụ quan trọng của hoạt động khuyến công ở Bắc Kạn trong thời gian qua. Đây là mục tiêu nhằm phát huy lợi thế của tỉnh, giúp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) ổn định sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm.

 Theo đó, các chương trình khuyến công đã tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất sản phẩm có lợi thế về vùng nguyên liệu như: chế biến nông - lâm sản, vật liệu xây dựng. Tập trung hỗ trợ cơ sở CNNT ứng dụng thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, đào tạo khởi sự doanh nghiệp từng bước tổ chức có hiệu quả, góp phần tạo ra năng lực sản xuất mới cho các cơ sở, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Các văn bản và chính sách khuyến công đã được tuyên truyền sâu rộng đến các cơ sở sản xuất CNNT. Năm 2018, Bắc Kạn được giao 1,129 tỷ đồng triển khai 14 đề án khuyến công quốc gia và địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động khuyến công tỉnh Bắc Kạn vẫn còn nhiều hạn chế. Đa số các cơ sở CNNT có quy mô nhỏ, năng lực quản trị hạn chế, ngành nghề chủ yếu là sơ chế nên có khó khăn trong việc phối hợp triển khai thực hiện. Một số cơ sở CNNT quy mô lớn, năng lực quản trị tốt nhưng đầu tư sản xuất vào ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, sản phẩm hàng hóa tồn kho hoặc khó cạnh tranh trên thị trường, dễ gây ô nhiễm môi trường nên chưa đề xuất hỗ trợ từ nguồn khuyến công. Hơn nữa, do cơ sở CNNT trên địa bàn có quy mô sản xuất nhỏ, hạn chế về nguồn lực tài chính thường thay đổi kế hoạch đầu tư, nên khi triển khai các đề án khuyến công, nhất là các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến phải đề nghị điều chỉnh nội dung hoặc dừng thực hiện. Ngoài ra, cấp huyện và thành phố chưa có cán bộ khuyến công chuyên trách, chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên quá trình xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các đề án còn nhiều khó khăn.

Để nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công trong thời gian tới, Bắc Kạn đang xây dựng các chương trình, đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng điểm, có sự bứt phá và có bước chuyển rõ rệt; tạo thuận lợi cho các cơ sở CNNT xây dựng những đề án có tính khả thi cao, có hiệu quả rõ rệt; vận động doanh nghiệp tăng cường liên kết, liên doanh đầu tư, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đổi mới công tác tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký và tổ chức thực hiện tốt các đề án khuyến công. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn để có phương pháp điều chỉnh cho phù hợp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án khuyến công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT trên địa bàn, trong đó chú trọng giữ gìn và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu đã được cấp.

 

CTV. Ngọc Khánh