Việc yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước thời điểm quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được nhận định có thể sẽ tạo rủi ro về chi phí đầu tư cho nhà đầu tư.

Vẫn còn vướng mắc
Trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư 2014 và Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), các cơ quan quản lý ở địa phương và doanh nghiệp phản ánh nhiều vướng mắc liên quan đến sự khác nhau trong các quy định của 2 Luật này về yêu cầu lập, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 18 Luật BVMT quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm: dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước thời điểm quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là không phù hợp với thực tế triển khai dự án đầu tư vì tại thời điểm này, nhà đầu tư mới đề xuất địa điểm và chưa có dự án đầu tư được phê duyệt nên không có đủ căn cứ để lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều này tạo rủi ro rất lớn về chi phí đầu tư cho nhà đầu tư trong trường hợp dự án đầu tư không được chấp thuận vì những lý do không liên quan đến môi trường hoặc buộc phải thay đổi địa điểm thực hiện dự án.
Xuất phát từ thực tế đó, Khoản 8 Điều 33, Khoản 6 Điều 34 và Khoản 8 Điều 35 Luật Đầu tư 2014 không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư.
Như vậy, Luật Đầu tư và Luật BVMT có quy định khác nhau về thời điểm thực hiện thủ tục phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều này đã và đang gây nhiều khó khăn, lúng túng cho cả nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý ở địa phương trong việc áp dụng pháp luật pháp luật đầu tư và pháp luật bảo vệ môi trường.
Tìm cách gỡ vướng
Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau

Mặc dù cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu tư 2014 thay vì quy định của Luật BVMT là khá rõ ràng. Cụ thể: Khoản 2 Điều 4 Luật Đầu tư đã quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Dầu khí”. Mặt khác, Theo quy định tại Khoản 3 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau”. Theo đó, thủ tục phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu tư 2014 sẽ được ưu tiên áp dụng. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và doanh nghiệp với tư cách là chủ thể áp dụng pháp luật vẫn chưa thể đủ tự tin khi lựa chọn áp dụng Luật Đầu tư 2014 trong bối cảnh chưa có một văn bản pháp lý có hiệu lực pháp lý tương đương luật khẳng định điều này. 

Về vấn đề này, Bộ KH&ĐT cho biết đã thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường theo hướng tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư không nhất thiết phải có quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Điều 25 Luật BVMT. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư 2014 và Luật BVMT, Bộ KH&ĐT cho biết đã xử lý vướng mắc nêu trên trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh theo hướng bãi bỏ Điểm đ Khoản 2 Điều 25 Luật BVMT. Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016) và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2017) Quốc hội khóa XIV.

 

Nguồn Báo Đấu thầu