Trên địa bàn tỉnh hiện có 132 làng nghề, với 36 nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), giá trị sản xuất đạt gần 14.000 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho khoảng 90.000 lao động.

Là đơn vị nhiều năm đồng hành cùng các cơ sở, doanh nghiệp làm nghề TTCN, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa luôn nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của các ngành nghề TTCN. Do đó, những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn của khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, điển hình, như: hỗ trợ các cơ sở đầu tư mua máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất; tập huấn nâng cao nhận thức, tay nghề, tác phong công nghiệp cho lao động nông thôn; tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm TTCN. Theo đánh giá từ các doanh nghiệp, cơ sở được hỗ trợ cho thấy: Việc hỗ trợ sản xuất đã giúp các doanh nghiệp chủ động đầu tư công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, giảm thiểu tiêu tốn điện năng giúp đơn vị sản xuất nâng cao doanh thu. Hiện Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa đang và sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, TTCN...

Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp phát triển ngành nghề TTCN. Đơn cử như huyện Nga Sơn, với việc thực hiện các nhóm giải pháp, như: đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm từ nghề truyền thống; chú trọng đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống theo chiều sâu gắn với việc xây dựng thương hiệu. Nhờ đó, huyện đã khôi phục, duy trì phát triển ổn định 23 làng nghề TTCN đã được tỉnh công nhận, trong đó có 20 làng nghề chiếu cói; có 8/11 doanh nghiệp duy trì phát triển ổn định nghề sản xuất, kinh doanh các mặt hàng từ cói và có khoảng 7.000 hộ dân trên địa bàn tham gia sản xuất TTCN.

Mặc dù tỉnh và các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển ngành nghề TTCN, song theo nhận xét của nhiều chủ doanh nghiệp và các hộ dân làm nghề TTCN thì hầu hết việc hỗ trợ phát triển sản xuất TTCN của các cấp chính quyền mới dừng ở việc tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, khen thưởng, chứ chưa có các chính sách hỗ trợ thiết thực về cơ chế hỗ trợ vay vốn, dành quỹ đất, mặt bằng phù hợp cho việc sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, nên có không ít doanh nghiệp vẫn ngần ngại không muốn đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất, còn người lao động thì lo ngại về sự phát triển bền vững của nghề, nên chưa thực sự gắn bó, tâm huyết với nghề.

Xuất phát từ những khó khăn, rào cản nói trên, để phát triển ngành nghề TTCN, các địa phương cần tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các phương thức đào tạo, dạy nghề và nhu cầu phát triển của thị trường lao động. Đồng thời, triển khai tốt các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, khuyến khích các cơ sở đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hỗ trợ làng nghề, làng có nghề xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu, quảng bá xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch.

Báo Thanh Hóa