Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của các DN, cơ sở CNNT. Trước tình hình đó, toàn hệ thống KC từ TW đến địa phương đã kịp thời triển khai theo các văn bản của Đảng, Chính phủ, bám sát diễn biến tình hình của cơ sở CNNT, rà soát đánh giá tính cấp thiết, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh KH tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các DN, cơ sở CNNT giải quyết khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện mới.

Khó khăn từ dịch bệnh

Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), tổng kinh phí KC năm 2021 của cả nước là 338 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch kinh phí KC quốc gia (KCQG) là 150 tỷ đồng, kế hoạch kinh phí KC địa phương (KCĐP) là 188 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, do phải thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống dịch Covid-19 nên kinh phí KCQG chỉ bố trí được 75,641 tỷ đồng, đạt 50% tổng dự toán năm 2021 (giảm 50% so với năm 2020), dẫn đến giảm số lượng các đối tượng thụ hưởng của chương trình.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như cách ly, phong tỏa, hạn chế tập trung đông người đã ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai các hoạt động KC. Một số nội dung thiết thực như hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý DN, hội nghị, hội thảo chuyên đề không triển khai được. Công tác phối hợp, hướng dẫn thủ tục hỗ trợ của các đơn vị thực hiện cho các đối tượng thụ hưởng gặp khó khăn...

Đồng hành cùng các cơ sở CNNT

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, toàn hệ thống KC từ trung ương đến địa phương đã bám sát diễn biến dịch bệnh, kịp thời điều chỉnh kế hoạch, triển khai các hoạt động hỗ trợ DN, cơ sở CNNT.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Chương trình KCQG và KCĐP giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hoạt động KC, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT về việc đẩy mạnh các hoạt động KC, tạo động lực mới cho phát triển CNNT giai đoạn 2021-2025.

Trong năm, chương trình KCQG và KCĐP đã tập trung hỗ trợ cho các hoạt động thiết thực như hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở CNNT đầu tư mua sắm máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, xây dựng các mô hình để nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới và đa dạng sản phẩm nhằm tăng hiệu quả kinh doanh; hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT; hỗ trợ liên doanh, liên kết; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp… Điều này đã khuyến khích, động viên các DN, cơ sở CNNT cố gắng duy trì sản xuất để vượt qua giai đoạn khó khăn, tìm cơ hội, thích nghi với điều kiện bình thường mới.

Một trong những chương trình trọng tâm được nhiều địa phương quan tâm bố trí kinh phí thực hiện đó là “hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp”. Trong năm 2021, nguồn kinh phí KC đã hỗ trợ 739 cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ xây dựng 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới, thí điểm xây dựng mô hình trình diễn áp dụng giải pháp sạch hơn; hỗ trợ 5 cơ sở CNNT sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.

Theo đánh giá của các cơ sở thụ hưởng, việc được hỗ trợ ứng dụng dây chuyền công nghệ mới đã giúp các cơ sở tạo ra sản phẩm có chất lượng, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó, đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật,… Đồng thời, góp phần thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng thu cho ngân sách địa phương. Các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp giúp cải thiện môi trường khu vực sản xuất, góp phần thúc đẩy nhanh chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tạo cơ hội phát triển sản xuất công nghiệp bền vững, hướng đến sản xuất xanh.

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ khác cũng được quan tâm triển khai thực hiện, đáng chú ý là nội dung hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT. Tại kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021, số lượng sản phẩm tham gia nhiều nhất từ trước đến nay với 310 sản phẩm của 58 tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy hiệu quả mà chương trình mang lại đã thu hút được ngày càng nhiều sự quan tâm tham gia của các DN, cơ sở CNNT. Các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng cũng khá đồng đều ở mức cao, điều này dẫn đến số lượng sản phẩm được giải cũng cao hơn mọi kỳ bình chọn, đây là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của các cơ sở CNNT. Cũng trong năm 2021, kinh phí KCĐP đã hỗ trợ trên 500 gian hàng cho gần 300 cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ đầu tư 10 phòng trưng bày cho các cơ sở CNHT có sản phẩm đạt giải sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, cấp tỉnh,…

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công

Theo Cục Công Thương địa phương, bước sang năm 2022, chương trình KC sẽ tiếp tục bám sát các mục tiêu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung hoạt động nhằm hỗ trợ cho các DN, cơ sở CNNT phục hồi và phát triển sản xuất hậu đại dịch Covid-19. Trong đó tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT; tăng cường hoạt động tư vấn, trợ giúp thông tin, nâng cao năng lực sản xuất thích ứng bối cảnh dịch Covid-19 cho cơ sở CNNT… Đặc biệt là tiếp tục nâng cao chất lượng khảo sát, xây dựng đề án KC theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương; các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, khai thác triệt để những thành tựu của CMCN 4.0; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân, DN, cơ sở CNNT nắm bắt và tham gia tích cực các nội dung hoạt động KC...

Tuy nhiên, để các hoạt động KC đem lại hiệu quả nhiều hơn nữa cho các cơ sở CNNT, rất cần sự quan tâm của Chính phủ trong việc bố trí tăng ngân sách cho chương trình KCQG, đặc biệt trong bối cảnh dự báo diễn biến dịch bệnh còn phức tạp và kéo dài, để góp phần thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết của Đảng, Chính phủ trong việc hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất bền vững.

Theo Công nghiệp Tiêu dùng