Qua 5 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, kết quả tỉnh Cà Mau đã công nhận 73 sản phẩm đạt cấp tỉnh, 19 sản phẩm cấp khu vực, 11 sản phẩm cấp quốc gia.

Qua hơn 8 năm triển khai thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia và Chương trình khuyến công địa phương, hoạt động khuyến công tỉnh Cà Mau đã tranh thủ nguồn kinh phí trung ương, địa phương hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp với tổng kinh phí là 19,51 tỷ đồng. Trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 4,55 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 14,96 tỷ đồng, thu hút hơn 205 tỷ đồng vốn đầu tư của dân doanh, giải quyết việc làm 1.759 lao động nông thôn

Theo đó, hoạt động hiệu quả nổi bật là hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, đây là hai nội dung hoạt động khuyến công được triển khai thực hiện hàng năm, chiếm phần lớn nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, giúp cơ sở CNNT hoàn thiện các quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và là điều kiện để tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp.

Có thể nói rằng hoạt động khuyến công và bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu là cầu nối quan trọng giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp, cơ sở CNNT và giữa các doanh nghiệp, cơ sở CNNT với thị trường tiêu thụ. Qua 05 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, kết quả tỉnh Cà Mau đã công nhận 73 sản phẩm đạt cấp tỉnh, 19 sản phẩm cấp khu vực, 11 sản phẩm cấp quốc gia. Hầu hết các cơ sở CNNT có sản phẩm đạt chứng nhận đều hoạt động tốt, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Điển hình như sản phẩm khô mực của Công ty TNHH Mỹ Thuyền hiện đã xuất khẩu sang các thị trường Thái Lan, Trung Quốc; các sản phẩm tôm khô, tôm khô chà bông, bánh phồng tôm, muối tôm của HTX Tân Phát Lợi đã vào các hệ thống siêu thị như Sài Gòn CO.OP, Organica; máy cho tôm ăn tự động của Cơ sở Nguyễn Hải Đăng không chỉ có mặt trong nước, mà đã vươn ra các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Tây Ban Nha.

Đặc biệt, cơ sở Vĩnh Hòa Phát từ một cơ sở sản xuất nhỏ, được sự quan tâm của các cấp, các ngành tạo điều kiện cho cơ sở tham gia các kỳ hội chợ, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đầu tư máy móc, thiết bị, website,... hiện nay đã thành lập công ty CP XNK Vĩnh Hòa Phát nhằm tạo điều kiện ký kết hợp đồng xuất khẩu bánh phồng tôm với các đối tác nước ngoài.

Với kết quả trên, sản phẩm của tỉnh Cà Mau từng bước khẳng định được về chất lượng, mẫu mã, thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao nhận thức, tạo động lực cho cơ sở CNNT ứng dụng công nghệ mới, thay đổi quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tích cực hoàn thiện mẫu mã bao bì, tăng cường quản lý chất lượng, phát triển sản phẩm.

Ngoài ra, việc lựa chọn các đề án khuyến công có chất lượng, sử dụng nguồn nguyên liệu thế mạnh thuỷ, hải sản của tỉnh ra đời một số sản phẩm CNNT mới, đã góp phần quan trọng cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất;

Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; nâng cao sức cạnh tranh phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng cao với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh giũa các doanh nghiệp, cơ sở CNNT với các nhà phân phối và giữa các doanh nghiệp, cơ sở với nhau từ đó tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian qua, nhưng nhìn chung hoạt động khuyến công và bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Để hoạt động khuyến công, bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau tập trung triển khai một các giải pháp như:

Tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện tốt chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương giai đoạn 2021 – 2025, tổ chức tốt công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh và tham gia bình chọn cấp khu vực, cấp quốc gia đạt kết quả cao.

Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách, đề xuất hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT có sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu để phát triển sản xuất, nâng cao năng lực quản lý và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hướng đến phát triển bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện đã được bố trí; Chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế của các cơ sở CNNT để triển khai các nội dung của hoạt động khuyến công và bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu.

Kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đầu ra sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ triển lãm hàng CNNT, hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương. Đây là cầu nối quan trọng để các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tham gia kết nối thị trường, liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện quảng bá phát triển thương hiệu, mở đại lý phân phối tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Tạp chí công thương