Năm 2022, Khuyến công Bình Phước đã hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong chế biến điều, gỗ, cơ khí cho 08 đề án. Trong đó, đã hỗ trợ cho 07 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT); 01 đề án trưng bày và giới thiệu sản phẩm CNNT từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, các đơn vị đi vào hoạt động sản xuất ổn định.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) tỉnh Bình Phước, trong kế hoạch đề ra tháng 7 và 8, TTKC phối hợp với Phòng Quản lý công nghiệp - Sở Công Thương, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện 08 đề án, với tổng kinh phí là 1.328,8 triệu đồng. Trong đó, 07 đề án đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến; 01 đề án trưng bày và giới thiệu sản phẩm CNNT.

Mục tiêu của các hoạt động khuyến công là khuyến khích các cơ sở CNNT, doanh nghiệp (DN) mạnh dạn đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến; gắn sản xuất thân thiện với môi trường, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, giúp các cơ sở CNNT, DN nâng cao năng suất và chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Thành Trung có địa chỉ (Khu phố 8, Phường Long Phước, Thị xã Phước Long, Bình Phước) là một điển hình: Là một trong những đơn vị được thụ hưởng đề án khuyến công địa phương năm 2022, Công ty Thành Trung đầu tư mua sắm máy phân loại nhân hạt điều, phục vụ cho sản xuất tiêu dùng và xuất khẩu. Theo đại điện Công ty cho biết: Được sự tư vấn, hỗ trợ kinh phí khuyến công của tỉnh, Công ty đã đầu tư mua 01 máy phân loại nhân hạt điều, model 6SXZ-240KF (P1) (240KFS), công suất 3,5 – 4,5 tấn/ giờ.

Với hệ thống máy phân loại hạt điều này đã đem lại hiệu quả bước đầu cho DN. Trước đây, việc phân loại hạt điều bằng phương pháp thủ công đã tiêu tốn rất nhiều nhân công, chất lượng không đảm bảo, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường bị ô nhiễm nên chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Sau khi đầu tư máy móc vào phân loại hạt điều thì chất lượng hạt điều được nâng lên, được khách hàng đánh giá cao, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã đối với người tiêu dùng, giá cả đủ sức cạnh tranh của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Sáu - Giám đốc TTKC tỉnh Bình Phước cho biết: Để triển khai hiệu quả Chương trình khuyến công quốc gia, Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch khuyến công năm 2022, TTKC tập trung tư vấn, hỗ trợ các cơ sở CNNT phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hậu Covid-19. Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực, quốc gia. Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám và đánh giá thường xuyên việc thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, mục đích theo quy định của Nhà nước đề ra.

Có thể thấy, việc đầu tư, ứng dụng máy móc hiện đại trong sản xuất, kinh doanh đã đem lại hiệu quả thiết thực cho các cơ sở CNNT, góp phần năng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và phát triển bền vững.

Theo Công nghiệp Tiêu dùng