Nhờ nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19 đã tạo điều kiện cho các làng nghề, cơ sở sản xuất vượt khó duy trì sản xuất, thay đổi mẫu mã, tăng số lượng sản phẩm ra thị trường.

Chị Võ Thị Bích Ngọc - Chủ cơ sở Bánh ít lá gai Bà Dư, huyện Tuy Phước cho biết, từ đầu năm đến nay lượng khách hàng đặt bánh nhiều hơn, mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 4.500 cái, hiện cơ sở vẫn sản xuất theo kiểu truyền thống, phần lớn các khâu làm bằng thủ công nên chất lượng bánh ngon, nhờ vậy được nhiều khách hàng mới biết đến.
 Không chỉ chất lượng, một số sản phẩm truyền thống đã được thay đổi mẫu mã để phục vụ tốt hơn thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Dương Văn Hành - Giám đốc Công ty TNHH BIDIR Hoàng Long (TX An Nhơn) cho biết, sau thời gian ảnh hưởng dịch, đến nay nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường như Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Tây Nguyên tăng trở lại, công ty đã tạo ra 16 kiểu dáng bình rượu với chất liệu thủy tinh và sứ.
Việc trở lại sản xuất đã giúp cho người dân địa phương có được công việc, thu nhập ổn định. Ngoài đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe người lao động trong quá trình sản xuất được các cơ sở đặt lên hàng đầu.
Ngành du lịch đang trên đà phục hồi, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của Bình Định thời gian tới sẽ nhiều hơn, việc sản xuất sẽ được đẩy lên cao hơn. Vì vậy, các làng nghề, cơ sở sản xuất phải thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch Covid-19” giúp đảm bảo, ổn định đời sống người dân và cho ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

Theo Làng nghề Việt