Phát triển LNTT trên địa bàn tỉnh phù hợp với xu thế của thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Bắc Giang: Làng nghề vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
TBV - Những năm qua, để bảo tồn và phục hồi làng nghề truyền thống (LNTT), tỉnh Bắc Giang đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển LNTT trên địa bàn tỉnh phù hợp với xu thế của thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Để đẩy mạnh phát triển LNTT, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp như quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề; hỗ trợ đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu… Tuy nhiên hiện nay không ít làng nghề lâm vào tình cảnh khó khăn, thiếu đội ngũ công nhân lành nghề do thế hệ trẻ nhiều nơi không còn mặn mà với LNTT.

Chị Hoàng Thị Vui, 45 tuổi, làm việc tại xưởng sản xuất mây tre đan của Công ty TNHHMTV Tăng Tiến chia sẻ: Làng nghề bây giờ chủ yếu là ông bà, bố mẹ gắn bó, chứ giới trẻ trong độ tuổi lao động không mặn mà với nghề truyền thống. Thanh niên bây giờ chủ yếu đi làm công ty tại các khu công nghiệp, nếu không thì đi xuất khẩu lao động.
 
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đinh Văn Tỉnh, Giám đốc Công ty TNHHMTV Tăng Tiến, thôn Chùa, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên cho biết: Khoảng từ năm 2013 trở về trước Công ty của ông có khoảng 300-400 công nhân lao động sản xuất các mặt hàng xuất khẩu như đệm, gối, túi sách, bàn ghế... Nhưng hiện nay chỉ còn lại vài chục lao động, chủ yếu ở độ tuổi từ 45-50 tuổi. Mặc dù so sánh về mặt bằng tiền lương của làng nghề với công nhân tại các khu công nghiệp không chênh lệch nhau là mấy, khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, nhưng hiện nay giới trẻ vẫn không còn mặn mà với LNTT. Đây là thực trạng rất đáng lo ngại của các làng nghề có truyền thống 300 năm nhưng đang thiếu thế hệ trẻ kế cận.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 39 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Các nghề thủ công khá phong phú ở nhiều lĩnh vực như: mây tre đan, sản xuất gốm, làm mỳ gạo, bún, bánh đa, nấu rượu, mộc dân dụng… Mặc dù nhiều sản phẩm đã và đang tạo dựng uy tín trên thị trường nhưng hiện nay không ít làng nghề lâm vào tình cảnh khó khăn, sản xuất mang tính cầm chừng. Các cơ sở sản xuất chủ yếu có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh còn yếu, năng lực tài chính hạn chế, thị trường tiêu thụ hạn hẹp.

Điển hình như tại làng nghề truyền thống mỳ Chũ ở thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, Lục Ngạn có tới hơn 90% số hộ dân làm nghề. Bình quân mỗi ngày làng nghề sản xuất 14.650 tấn mỳ gạo. Mỳ Chũ được sản xuất bằng phương pháp gia truyền không sử dụng các chất bảo quản thực phẩm, hàn the… có độ giòn, dẻo, dai và thơm ngon. Đây là lý do khiến mỳ Chũ được nhiều người ưa thích và đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể. Nhưng hiện nay các sản phẩm của làng nghề mỳ Chũ Thủ Dương chủ yếu được tiêu thụ ở trong nước, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc mở rộng xuất khẩu.

Để các làng nghề truyền thống của Bắc Giang thực sự phát triển bền vững, tỉnh Bắc Giang đã có quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn Bắc Giang giai đoạn 2016-2025. Tuy nhiên để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả phát triển LNTT, theo ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới Bắc Giang sẽ tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất, khoa học-kỹ thuật để vực dậy các nghề và LNTT thoát khỏi tình trạng khó khăn. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm LNTT để phát triển bền vững làng nghề trong giai đoạn hiện nay.


Nguồn: Thời báo Làng nghề Việt