HOẠT ĐỘNG CÔNG THƯƠNG ĐỊA PHƯƠNG
Phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, đón “sóng” đầu tư.

Sau nhiều lần điều chỉnh, đến năm 2020, Hà Nam có 15 CCN với tổng diện tích 314ha. Theo từng nhóm chủ đầu tư, hạ tầng CCN được hoàn thiện ở mức độ khác nhau. Cụ thể, nhóm CCN được hỗ trợ xây dựng hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách gồm 9 CCN đã tiến hành cơ bản các hạng mục công trình, như: Đường giao thông, thoát nước, điện chiếu sáng… Riêng CCN Cầu Giát- Duy Tiên đã có công trình xử lý nước thải tập trung. Nhóm 3 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, trong đó 2 cụm đã cơ bản hoàn thành hạ tầng và 1 CCN đang được xây dựng; 1 CCN đã có trạm xử ý nước thải. Nhóm CCN không có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng do các doanh nghiệp thuê đất sản xuất, kinh doanh tự đầu tư xây dựng hạ tầng dùng chung đều chưa có trạm xử lý nước thải.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện diện tích các CCN đã lấp đầy 100%, hiệu quả kinh tế mang lại từ khu vực này đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội của tỉnh. Đáng nói, thời gian gần đây, thu hút đầu tư hạ tầng công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, làn sóng đầu tư đổ vào Việt Nam, trong đó có Hà Nam. Do vậy, nhiều nhà đầu tư xin mở rộng, bổ sung mới CCN để đầu tư hạ tầng thu hút đầu tư thứ cấp.

Bên cạnh đó, Hà Nam với trên 60 làng nghề, trên 110 làng có nghề tiểu thủ công nghiệp đang rất cần mặt bằng để di dời các cơ sở công nghiệp nông thôn nhằm khắc phục tình trạng sản xuất chật chội, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trước nhu cầu bức xúc về mặt bằng sản xuất, đồng thời tạo hạ tầng đón luồng đầu tư mới đang có xu hướng gia tăng, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt Phương án phát triển CCN tỉnh giai đoạn 2021-2030. Trong đó, phương án rút khỏi quy hoạch một số CCN không có khả năng phát triển, giữ nguyên các CCN hiện có và mở rộng một số cụm có khả năng phát triển được đánh giá phù hợp và lựa chọn thực hiện.

Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Hà Nam sẽ có 30 CCN, tổng diện tích khoảng 1.196ha. Trong đó, với 15 CCN đã có quyết định thành lập, tỉnh sẽ rút khỏi quy hoạch cụm An Mỹ- Đồng Xá do vị trí không có khả năng phát triển và thực tế chưa thu hút được chủ đầu tư hạ tầng; tiếp tục củng cố, duy trì phát triển và hoàn thiện theo hiện trạng 13 CCN, tổng diện tích 321,78ha; thực hiện thủ tục điều chỉnh diện tích CCN Thi Sơn và Kim Bình; mở rộng diện tích CCN Trung Lương.

Bên cạnh đó, Hà Nam sẽ thành lập mới 14 CCN với diện tích 805ha. Trong đó, thành lập 4 CCN, diện tích khoảng 150ha trên địa bàn thị xã Duy Tiên; 3 CCN, diện tích khoảng 225 trên địa bàn huyện Kim Bảng; 3 CCN, diện tích khoảng 165ha trên địa bàn huyện Lý Nhân; 2 CCN, diện tích khoảng 145ha trên địa bàn huyện Thanh Liêm và 2 CCN, diện tích khoảng 120ha trên địa bàn huyện Bình Lục.

Căn cứ tình hình thực tiễn và dự báo thu hút đầu tư trong thời gian tới, Hà Nam xác định tính chất các CCN là cụm tổng hợp đa ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường.

Để phương án phát triển CCN của tỉnh được triển khai thuận lợi, đúng tiến độ, mục tiêu, UBND tỉnh Hà Nam cũng xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách tới thu hút đầu tư, nguồn nhân lực…

Phương án phát triển CCN giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Hà Nam được xây dựng trên quan điểm không phát triển CCN mới trong khu đô thị, hoàn thiện mở rộng một số CCN trong quy hoạch, phát triển CCN tại các địa phương thuộc vùng nông thôn kinh tế chưa phát triển, có lợi thế về giao thông, nhân lực.

Theo Báo Công Thương