
Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, làng nghề CN-TTCN tỉnh Bình Phước vừa qua đã đạt được một số kết quả như: Đến nay, toàn tỉnh có các nghề truyền thống như rượu cần, dệt thổ cẩm, đồ gỗ mỹ nghệ, đan lát, rèn thủ công tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng; chế biến điều tập trung tại thị xã Phước Long; nghề dệt thổ cẩm truyền thống đồng bào S’tiêng, huyện Hớn Quản; nghề mộc mỹ nghệ tại xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp và thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành. Các nghề này chưa được công nhận làng nghề CN-TTCN.
Việc hình thành, duy trì và phát triển các nghề truyền thống đã giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, phát triển sản phẩm du lịch địa phương, góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc. Khai thác được nguồn nguyên liệu sẵn có, sản phẩm phù hợp với phát triển nông thôn, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp.
Bên cạnh đó, làng nghề CN-TTCN tỉnh Bình Phước còn những tồn tại hạn chế như: sản phẩm nghề truyền thống khó cạnh tranh do chi phí giá thành cao; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, kinh doanh thiếu phát triển bền vũng; sản phẩm TTCN hầu hết được tiêu thụ trong nước, mặt hàng xuất khẩu chính là nhân hạt điều; một số nghề TTCN còn ảnh hưởng đến môi trường do các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư;…
Để phát triển các làng nghề CN-TTCN, thời gian tới tỉnh Bình Phước đưa ra một số giải pháp như: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương và tỉnh đã ban hành có hiệu quả; Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích thông qua chính sách hiện hành của nhà nước để ổn định và phát triển ngành nghề truyền thống, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm (chất lượng, cải tiến bao bì mẫu mã, giá thành sản phẩm,…) tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường, tập trung khai thác thị trường nội địa là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước.
Nguyễn Thị Hương-TTCN